Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Thư Gửi Em



Em,
Sáng hôm nay anh tham dự thánh lễ an táng của em. Lòng anh quặn đau khi thấy tấm thân bé xíu của em nằm trong quan tài. Xung quanh em, thưa thớt những người thân với những nét mặt ngơ ngác. Phải chăng họ ngơ ngác bởi vì họ chưa hết sự ngỡ ngàng khi chứng kiến sự ra đi của em? Nhưng, em đã ra đi thật rồi!

Nằm trong đó, chắc chắn em đã được ‘an phận’. Em không còn phải suy nghĩ. Em cũng chẳng nói được lời nào nữa. Nhưng, chính lúc này, em lại là ‘đối tượng’ để cho những người đứng xung quanh em suy nghĩ và nói lên những điều phát xuất từ con tim của họ.

Và với anh, anh lại muốn được nói rất nhiều điều với em.

Em,
Em năm nay mới lên mười tuổi. Em đang ở trong lứa tuổi mà người ta hay nói đó là “tuổi thần tiên”. Em chưa suy nghĩ được nhiều. Đầu óc, con tim và cả con người của em đang phụ thuộc hoàn toàn vào những người lớn, nhất là cha mẹ của em. Em chưa tự lấy cho mình một quyết định nào liên quan đến hiện tại và tương lai của cuộc đời em. Em chỉ là một cậu bé suốt ngày tung tăng chạy từ nhà tới trường, từ trường về nhà và chạy sang nhà những người bạn ở bên xóm. Thế mà hôm nay, em phải chạy một chuyến thật xa, xa đến nỗi mà những đứa trẻ, bạn của em nói là “nó đã đi xa tít…”. Vâng, em đã đi xa. Và sự ra đi đó của em lại không giống những lần em ra đi trước đó. Mỗi lần em đi tới trường, sau đó em lại về nhà; mỗi lần em sang nhà bạn em chơi, đến giờ, em phải trở về ngôi nhà của em… Nhưng, hôm nay, em đi và sẽ không về nữa…

Và, sự ra đi của em lại không giống như sự ra đi của những người khác. Mới hôm nào, vào một buổi chiều, ba em đi làm ở ngoài biển, em chạy nhảy, vui chơi cùng mấy đứa bạn trong xóm; trong lúc chơi, em trèo lên cây ở trước sân nhà em; vô ý, em bị ngã. Đầu em đập vào nền xi-măng. Em bị ngất. Người ta đưa em vào bệnh viện. Bác sĩ cho biết em bị chấn thương sọ não, cần phải mất nhiều tiền cho việc chữa trị. Ba em và những người thân đã chạy khắp nơi vay mượn tiền để cứu sống em, nhưng không kịp, em đã từ biệt họ và… ra đi.

Em,
Khi em ra đi rồi, anh mới có dịp tìm hiểu về em và gia cảnh của em. Nhà em nghèo quá! Cả em và anh chị em của em chỉ mong chờ vào bàn tay gầy còm của ba em. Từ sáng tinh sương, ba em đã ra biển, mãi cho tới lúc trời tối mịt mới về. Ngày nào may mắn thì kiếm đủ cơm cho các em ăn. Còn mẹ em! Anh không thấy mẹ em trong đám tang của em. Hỏi ra mới biết mẹ em đã bỏ ba em, em và anh chị em của em đi đến một ‘phương trời’ nào đó mà không ai biết. Mẹ em đã không còn yêu thương ba em; và điều đó đã liên lụy đến em và anh chị em của em. Em đã phải sống trong cảnh thiếu thốn tất cả, kể cả cái mà em cần là tình mẹ cũng bị cướp mất…

Khi ngồi vào bàn để viết những tâm tình này gửi đến em, anh nhớ lại những lời chia sẻ của Cha xứ trong thánh lễ an táng của em. Cha nói: “Cháu Giu-se Phong đã được Chúa mời gọi về với Chúa. Nhưng trước khi đến để được ở bên lòng Chúa, cháu còn trăn trối cho chúng ta là những người làm cha-làm mẹ một điều rằng hỡi những người làm cha-làm mẹ, xin cho chúng con là những người làm con tình yêu thương. Xin cho chúng con là những trẻ thơ có được hơi ấm từ tấm lòng của cha mẹ. Xin cha mẹ đừng ghét bỏ nhau. Xin cha mẹ đừng đánh đập, chửi bới nhau. Và xin đừng ghét bỏ chúng con, nhưng hãy cho chúng con tình yêu thương. Xin đừng phân ly để chúng con khỏi bị phân tán… Chúng con biết rằng, cuộc sống ở đời này, có những lúc đau thương, buồn tủi, có những lúc bị bóng tối che phủ. Thế nhưng, con tin tưởng rằng, những điều đó sẽ biến mất khi cha mẹ sống trong sự yêu thương nhau…”.

 Anh thấy cha xứ đã rơi lệ khi ‘chuyển tải’ những lời này giúp em. Và anh, lòng anh cảm thấy đau nhói và thổn thức. Anh đau nhói cho thân phận của em, đau nhói cho sự thiệt thòi mà em đã phải chịu; và, đau nhói cho cuộc đời này.

Em biết không, anh muốn nói về cuộc đời mà ngày hôm nay có không ít những người trẻ đang rơi vào cảnh đơn côi, đau khổ vì gia đình của họ tan vỡ. Chồng không quan tâm tới vợ, vợ chẳng quan tâm gì đến chồng, và cha mẹ không quan tâm đến con cái… Chắc em đã biết và cảm nhận được điều này là ngày hôm nay người ta đang cố gắng lao mình vào trong việc kiếm được thật nhiều của cải vật chất để làm giàu. Họ để cho con cái phải sống trong cảnh cô đơn, thiếu thốn tình thương. Họ cho rằng trách nhiệm của họ là cho con ăn ngon, mặc đẹp và cung cấp tiền bạc khi con có nhu cầu. Và, họ đã sai lầm ngay ở chỗ đó. Họ không biết rằng, điều mà những người làm con cần là tình thương yêu, sự hiện diện và giáo dục chu đáo của cha mẹ.

Em biết không, cách đây 5 ngày, có một số bạn trẻ cùng lứa tuổi với em vào cộng đoàn của anh chơi. Trong cuộc nói chuyện vui vẻ với nhau, anh đặt ra một câu hỏi: Mỗi lần đi học, đi tham dự thánh lễ hay đi chơi về, các em thích bố mẹ có mặt ở nhà hay đi vắng? Các bạn ấy lần lượt trả lời:

-        Quỳnh Giang (9 tuổi) nói: “Khi về nhà mà không thấy bố mẹ ở nhà, chán chết!”
-        Quốc Huy (11 tuổi) thì nói: “Em không thích cảnh vắng tanh trong gia đình tí nào. Em muốn được nhìn thấy bố mẹ luôn luôn”.
-        Phúc Diễm (13 tuổi) cho rằng “Em biết bố mẹ phải đi làm để kiếm tiến cho em ăn học, nhưng em vẫn mong ước được ở bên bố mẹ. Em không thích gia đình em giàu, nhưng em thích gia đình luôn hạnh phúc…”.

Em thấy đó, các bạn của em đã nói lên được khát khao lớn nhất của người trẻ thơ. Anh chỉ tiếc rằng anh chưa có dịp đặt câu hỏi này với em. Thế nhưng, anh tin, câu trả lời của em cũng sẽ giống như câu trả lời của những bạn ấy. Là, em muốn cha mẹ quan tâm, yêu thương và luôn ở bên em…

Em,
Còn rất nhiều điều khác anh đang suy nghĩ và muốn nói về em và các bạn của em, anh nói ra để cùng với em bày tỏ nỗi lòng của chúng mình. Thế nhưng, bây giờ, anh xin dừng lại để nói về đám tang của em.
(Video từ YouTube)

Hình ảnh làm anh xúc động đến rơi nước mắt là người em ruột (7 tuổi) của em. Nó còn quá nhỏ. Nó không biết đã có chuyện gì xãy ra với em và với nó. Con mắt của nó vẫn ngây thơ, miệng vẫn chúm chím cười. Có vẻ như nó rất thích thú khi được ôm tấm hình của em đi trước quan tài. Nó đi một cách tự tin, chững chạc và có chút kiêu hãnh. Tấm hình của em đã choán hết một phần ba thân thể của nó… Anh đi trước nó không xa. Cứ mỗi lẫn quay đầu nhìn lại, anh lại thấy nó cười tủm tỉm. Vâng, đứa em của em vẫn cười. Nó cười vì nó đơn sơ. Nó cười vì chưa hiểu được ‘sự đời’. Anh thấy thương nó quá là thương. Thương vì nó sẽ không bao giờ được nhìn thấy gương mặt của em; thương vì mỗi lần nó gọi tên em và không được em đáp lại; và, thương cho cả một tương lai của nó: thiếu thốn, cô đơn và không biết sẽ đi về đâu…

Em có biết chăng, đám tang của em không kèn, không trắc, không xe đẩy; chỉ có một vài chiếc trống.   Thế nhưng, bù lại, có không ít người đã dành cho em cả tấm lòng của họ. Họ đã rơi lệ vì thương em. Họ đã thổn thức và đau nhói khi em ra đi… Anh nghĩ rằng tất cả những điều đó là món quà quý giá mà mọi người muốn gửi tặng em để em đi vào trong một ‘Thế Giới’ của hạnh phúc và yêu thương.

Vâng, hạnh phúc và yêu thương đó là những điều mà em sẽ được tận hưởng khi em ở trong ‘Chốn Vĩnh Hằng’. Em không còn phải khóc, em chẳng còn phải đói. Em sẽ có đầy đủ khi em ở trong Nhà Chúa…

Nhưng em ơi! Ở nơi đó, anh xin em đừng quên các bạn của em mà xin em nhớ cầu nguyện cho họ. Các bạn đang phải chịu cảnh mà trước đây, khi còn sống, em đã phải chịu. Họ đang bị bách hại đủ cách. Bởi vì hằng ngày, họ phải đối diện với xã hội này, xã hội mà em biết đó: con người coi của cải hơn sinh mạng, coi dối trá hơn chân lý, coi bóc lột ghen ghét hơn yêu thương; và cả cuộc đời của những người ấy chỉ biết vơ vét về cho mình. Họ không biết san sẻ. Họ đang giết người khác bằng sự vô tâm, ích kỷ mà họ không hay biết…

Thế nhưng, em thân mến,
Tất cả những điều đó chỉ xảy ra nơi ‘trần thế tạm bợ’ này, còn trong Chốn Thiên Cung sẽ là cuộc sống dư đầy yêu thương và hạnh phúc. Anh luôn tin tưởng như thế, bởi vì: “Thập giá vương mang ngày tháng rồi đây dẫn tới vinh quang và đưa tới ngày tươi sáng… ngày đó, Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm qua hôm nay; và, ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm nay tương lai”[1].
Hẹn gặp lại em, người em yêu dấu của anh!

Fx. Phan Dương



[1]  x. MI TRẦM, Chúa Sẽ Đền Bù, sách Hát Cộng Đồng, tr. 328

Không có nhận xét nào: