Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Tu Sĩ Trẻ Đức Mẹ Lên Trời Gặp Gỡ


 
Sài Gòn : Từ ngày 9 đến 10 tháng 11 năm 2012, tại Đan Viện Nữ Biển Đức, các tu sĩ trẻ của ba hội dòng : Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời và Tiểu Muội Đức Mẹ Lên Trời đã có cuộc gặp gỡ.
Đây là lần thứ hai kể từ khi các Hội Dòng thuộc gia đình Đức Mẹ Lên Trời có mặt tại Việt Nam gặp gỡ nhau.
Hiện diện trong cuộc gặp gỡ, ngoài các tu sĩ trong thời gian khấn tạm, còn có các bề trên các cộng đoàn, nơi các tu sĩ đang sống.
Với chủ đề Mối tương quan giữa gia đình ruột thịt và gia đình dòng tu, qua việc giới thiệu về bản thân, gia đình, hội dòng, các tu sĩ trẻ có cơ hội hiểu biết về nhau, để rồi trong khi cùng nhau thi hành sứ vụ tông đồ, các tu sĩ dễ dàng làm việc chung với nhau.
Tưởng cũng cần nói thêm rằng từ khi các hội dòng trong gia đình Đức Mẹ Lên Trời có mặt tại Việt Nam, tiếp nối truyền thống của Đấng Sáng Lập và các thế hệ đi trước, các tu sĩ của các Hội Dòng đã kết hợp để cùng nhau làm việc, trong đó có mục vụ giới trẻ, bác ái xã hội…
Trong cuộc gặp gỡ này, ngoài việc giới thiệu và chia sẻ chung với nhau, các tu sĩ trẻ còn chia ra từng nhóm nhỏ để thảo luận với nhau về những khó khăn và thuận lợi trong mối tương quan của mình với gia đình ruột thịt và gia đình dòng tu…
Cuộc gặp gỡ kết thúc sau giờ kình chiều cùng với các nữ đan sĩ của Đan Viện.
Mọi người ra về trong niềm vui vì có những giây phút thú vị và ý nghĩa bên nhau, đồng thời mang bên mình ước mong làm cho triều đại Thiên Chúa hiển trị nơi chính mình, trong cộng đoàn và xung quanh môi trường mình sống.
Nguyện Nước Cha Trị Đến !
Fx. Phan Dương, aa.

Tu Sĩ Trẻ Đức Mẹ lên trời Gặp Gỡ





















Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Lời Cảnh Báo Đáng Suy Tư: Tâm Sự Của Một Cựu Linh Mục

Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.

Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.

Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì ? ”.

Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” :

Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.

Lời bàn: Những lời cảnh báo này thật đáng suy nghĩ. Bao nhiêu lần tôi đi dự lễ ngày Chúa Nhật mà chỉ mong cha làm cho nhanh nhanh để tôi về còn lo làm chuyện khác. Tôi có chuyện gì đáng lo hơn là phần rỗi linh hồn của tôi.

Tôi có một công việc rồi, còn muốn kiếm thêm một công việc nữa đến nỗi không còn có giờ cầu nguyện nữa. Sống như điên, cày như điên như thế có phải là cuộc sống được chúc phúc không.

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Trung Thu Buồn

Hôm nay tết trung thu, nhưng nhóm BVSS vẫn miệt mài với  công việc của mình, một trong những công việc mệt nhọc nhất là nhặt xác các thai nhi, tắm rửa và khâm liệm cho các em. Những tưởng rằng hôm nay là trung thu, ngày tết của đoàn viên, của tình thân thì sẽ không có những thai nhi bị giết? Nhưng, đau đơn thay, đó chỉ là những viễn tưởng xa xôi vô thực…
Chiếc xe bus lao nhanh trên xa lộ, có lẽ chúng tôi là những hành khách cuối cùng trong ngày trung thu. Ai cũng thể hiện sự mệt mỏi sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng. Tôi cũng mặc cho những suy nghĩ miên man bất tận tựa đoàn xe trên xa lộ, bởi tôi không biết nó bắt đầu từ đâu và kết thúc nơi nào nữa.
Tôi bước vào văn phòng BVSS. Những thai nhi đã bị giết được các thiện nguyện viên nhặt về đang nằm đó…
Tết trung thu - tết của tình thân
Trong truyền thống, tết Trung Thu luôn là tết của tình thân, của sự đoàn tụ. Trung thu của nhiều người là cuộc rước linh đình nơi những khu vui chơi giải trí ; là những gian hàng bánh kẹo la liệt trên đường phố. Còn em, trung thu của  em là sự ra đi trong tức tưởi, uất hận và nghẹn ngào của một kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Nhìn em lạnh lẽo đơn thân nằm đó - cũng một kiếp người giống bạn, giống tôi, nhưng định mệnh của em sao quá nghiệt ngã, đắng cay. Cố kìm nén cảm xúc của mình nhưng tôi vẫn thấy nhói đau trong lòng. Chẳng biết tôi đau vì em hay vì sự vô tâm của mình, khi mà tôi chưa nỗ lực hết mình trong công việc BVSS. Tôi đã tự hỏi mình như vậy.
Lời xin lỗi nào cho em?
Sau khi tắm rửa xong cho bé trai sáu tháng, chúng tôi lại nhận được bé gái khoảng năm tháng tuổi cũng tức tưởi ra đi trong ngày tết trung thu. Vẫn là căn phòng BVSS thân thuộc ấm cúng mỗi khi chúng tôi cùng cầu nguyện và trò chuyện thân tình với nhau, nhưng sao giây phút này đây nó trở nên lạnh lẽo, cô quạnh. Tất cả chúng tôi chìm trong thinh lặng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Cả căn phòng như độc tấu khúc ca oan nghiệt cho em. Càng thương cho số phận hẩm hiu ngắn ngủi của em,  tôi càng không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ em lại vô tâm đến vậy, rồi bất chợt vọng về trong tôi những tiếng khóc than ai oán của những hài nhi vô tội. Và, phải chăng tiếng khóc than ấy đã thấu đến tận trời xanh?
Hồn kêu oan như những bản cáo trạng
Tố cáo kẻ sống ích kỷ bất nhân
Mất đạo đức vô luân lý vô tâm
Mình gây tội lại giết con chạy tội
(NGÔ XUÂN THỦY, Tiếng kêu oan của những hài nhi vô tội)
Hàng triệu thai nhi bị giết bỏ mỗi năm là hàng triệu sinh mạng bị chối bỏ với hàng triệu lí do nhưng chỉ có một lí do duy nhất để em được sống bởi em là một nhân vị, một con người như chúng ta, và em có quyền được sinh ra, được làm người như tất cả chúng ta:
Dẫu con là một bào thai tai họa,
Thì mẹ ơi, đâu phải lỗi do con !
Xin đừng giết con đi mà tội nghiệp,
Con của mẹ còn bé lắm, mẹ ơi !
Mẹ ơi, mẹ, con van xin được sống,
Được làm người để gọi tiếng mẹ ơi

(PHAN VĂN DŨNG, Con xin được sống)
Sẽ còn và còn rất nhiều thai nhi bị giết bỏ. Và, dẫu cho bao nỗ lực không ngừng của các thiện nguyện viên trong các nhóm BVSS, thì vẫn còn đó bao vấn nạn nhức nhối, bao cái chết oan khiên. Những nỗ lực nhỏ nhoi có thể xoa dịu phần nào nỗi đau cho các thai nhi bị giết, nhưng làm sao có thể tha thứ cho tội ác giết hủy diệt mầm mống sự sống như vậy? Lời xin lỗi nào đây dành cho các em?  Và vẫn còn đó từng giây, từng phút những tiếng kêu cứu thống thiết bi ai của các anh hài vô tội…
Trở về phòng với tâm trạng trĩu nặng, tôi cảm thấy mình quá nhỏ nhoi nếu không muốn nói là bất lực trước sự tàn phá của sự dữ, của nền văn minh sự chết…

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Giới Trẻ Đức Mẹ Lên Trời Khai Giảng

Được mời gọi “giúp nhau nhận ra tình Chúa trong tình người…” Đó là tâm tình mà hơn 100 bạn sinh viên sống trong các lưu xá Dòng Đức Mẹ Lên Trời đã cất lên trong ngày khai giảng (16.9.2012) tại khuôn viên Học Viện Thần Học La-san Mai Thôn
Hiện diện cùng với các bạn sinh viên có cha Gio-an Lê Viết Thắng, aa, đặc trách các lưu xá, xơ Thanh Khánh, bề trên cộng đoàn Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời tại Việt Nam, các thầy và các xơ trong ban Mục Vụ Giới Trẻ.
Ngày khai giảng diễn ra trong bầu khí vui tươi, cởi mở và thân tình.
Sau phần sinh hoạt, chia tổ…, các bạn sinh viện được lắng nghe những người hữu trách nói về tinh thần và mục đích của các lưu xá Dòng Đức Mẹ Lên Trời. Trong bài nói chuyện của mình, cha đặc trách đã nhấn mạnh : “Lưu xá Dòng Đức Mẹ Lên Trời được lập ra không chỉ là nơi ở cho các bạn sinh viên, nhưng là nơi giúp các bạn sống, đào sâu và trưởng thành hơn trong đời sống đức tin. Ở nơi đây, các bạn được mời gọi sống yêu thương, quảng đại và định hướng tương lai của mình…”  Ngoài ra, cha đặc trách còn nhắc lại vấn đề chọn lựa ơn gọi khi sống trong lưu xá : Lưu xá Dòng Đức Mẹ Lên Trời là nơi để ươm trồng ơn gọi cho Giáo Hội : Linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân dấn thân.
Ngày khai giảng được tiếp tục với bữa cơm huynh đệ. Những câu chuyện vui, những tiếng cười rộn rã,… tất cả đã làm cho hội trường của Học Viện La-san thêm náo động và vui tươi.
Sau khi ăn trưa và nghỉ trưa, các tổ đã được chia làm việc chung với nhau. Các thành trong các nhóm đã đưa ra được những đề tài mà nhóm muốn được lắng nghe hoặc chia sẻ trong năm, như : Đức tin và khoa hoc; cái nhìn của người trẻ Công giáo về tình yêu, hôn nhân và đồng tính; thành công và thất bại trong cuộc sống; những tác động của xã hội hôm nay lên đời sống sinh viên…
Để phần nào trả lời cho các bạn sinh viên về những vấn nạn mà các bạn đặt ra, vào những buổi sinh hoạt chung trong năm, Ban Mục Vụ Giới Trẻ sẽ mời các chuyên viên đến để chia sẻ với các bạn.
Ngày khai giảng được kết thúc bởi thánh lễ tạ ơn.
Mọi người ra về trong mình mang theo nhiều tâm tình khác nhau của ngày đầu gặp gỡ, nhưng tâm tình của bài hát Tâm điểm yêu thương có lẽ vẫn là tâm tình chung cho các bạn trẻ sống trong các lưu xá của Dòng Đức Mẹ Lên Trời : “Người nhóm này, người nhóm kia,… người từ hướng Đông, người từ hướng Tây,
người dù da trắng hay da màu… đều được gọi mời sống chứng nhân tình yêu
thập hòa vào đời như thiện ý thiện tâm, trở nên muối men trở nên ánh sáng, giúp nhau nhận ra tình Chúa trong tình người…”
Ước mong triều đại của Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta và xung quanh chúng ta !
Fx. Phan Dương, aa.

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Một Cái Nhìn Riêng Tư Về Đời Tu

Một trong những chức năng quan trọng bực nhất về đời sống thánh hiến mà Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói trong Tông huấn đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ.
Quả vậy, hiện diện giữa thế giới, đời tu đã, đang và sẽ là lời ngôn sứ để làm chứng cho một thực tại : Làm chứng cho sự siêu việt của Thiên Chúa, cho sự mãnh liệt của ơn cứu độ, và cho sự thánh thiện.
Ngày hôm nay, người ta có thể đến với việc nghiên cứu khoa học, đến với chức vị giáo sư đại học, hầu giúp người ta tìm sự thật về cuộc sống trần gian này, về thế giới vật chất, về thế giới của con người. Tuy nhiên, đối với tu sĩ thì không hẳn như thế. Và có lẽ nếu những tu sĩ hiện diện ở giữa thế gian này mà trước hết là để trở thành những người dạy dỗ con người thì thực sự không cần. Người đó nên làm giáo sư thì hơn. Dẫu biết rằng có những tu sĩ làm giáo sư và có những tu sĩ làm nghiên cứu khoa học nhưng đó không phải là nhiệm vụ ưu tiên, đó không phải là chức năng ưu tiên… Tìm đến những chân lý về thế giới này về cuộc sống con người, người ta có thể tìm ở chỗ khác. Người ta có thể đến với những nghệ sĩ để tìm nơi họ một gợi hứng về cái đẹp. Các nghệ sĩ ở giữa thế gian có thể giúp người ta thưởng thức cái đẹp. Cái đẹp trong các ngành nghệ thuật khác nhau. Nhưng đến với một bà xơ già hay một ông thầy già thì có lẽ người ta không tìm trước hết là cái đẹp. Nhiệm vụ trước hết và bao trùm tất cả các lời ngôn sứ của người tu ở giữa thế gian này là lời chứng về sự thiện.
Quả vậy, sự thánh thiện chính là sự siêu việt của Thiên Chúa ở giữa cuộc đời này. Người tu sĩ có thể ngu dốt hơn những người khác, và cũng chẳng trỗi vượt hơn người đời về nhiều lãnh vực ; người tu sĩ có thể không có khả năng về nghệ thuật, không biết đàn ca hát hò, không biết viết văn…, nhưng người tu sĩ hiện diện ở giữa thế gian này trước hết là nói về lời của sự thiện.
Thật vậy, nơi người tu sĩ, họ cần sống làm sao để điều đầu tiên người ta có thể tìm thấy và phải tìm thấy nơi họ là sự thiện. Tuy nhiên, trong cuộc sống này, người ta thường hay quên vấn đề này. Người ta hay đề cao những kết quả của những hoạt động. Và vì quá đề cao đến những kết quả, nên người ta quên mất cái quan trọng hơn là chất thiện ở trong các hoạt động đó.
Điều này cần phải được xem lại. Bởi vì để sống đời tu, tiên vàn, người tu sĩ cần từ bỏ, kể cả tư tưởng hay học thuyết mình phát minh ra… Từ bỏ để chỉ bám vào Đức Ki-tô là sự thiện tuyệt đối đã mặc lấy xác phàm và đến với con người trong thế gian.
Như vậy, trong đời tu, chúng ta có thể không giỏi giang, không có những khả năng đặc biệt về nghệ thuật, về tài ăn nói, lãnh đạo,… nhưng đời tu đòi buộc những con người sống trong bực sống này luôn sống và hướng tới sự thiện.
Chỉ có như thế những người sống trong đời tu mới có thể trở nên chứng nhân cho sự siêu việt của Thiên Chúa, cho sự mãnh liệt của ơn cứu độ, và cho sự thánh thiện của Ngài.
Fx. Phan Dương, aa, tổng hợp

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Mái Ấm Họa Huệ Mừng Bổn Mạng

Vào lúc 10h00 ngày 27 tháng 8 năm 2012, Mái Ấm Hoa Huệ đã long trọng mừng lễ thánh Mô-ni-ca, bổn mạng của Mái Ấm.
Cha Benoit GSCHWIND, bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Pháp, các cha, các thầy phó tế, các tu sĩ nam nữ và hơn 200 ân nhân của Mái Ấm đã về tham dự thánh lễ.
Thánh lễ do cha Phao-lô Nguyễn Văn Hưng, giám tập, bề trên cộng đoàn Tập Viện Dòng Đức Mẹ Lên Trời chủ tế.
Giảng lễ cho thánh lễ hôm nay là cha Benoit. Nhưng trước đó, bài Tin mừng được Thầy phó tế Phê-rô Phạm Văn Dương, bị mù cả hai mắt, công bố bằng chữ nổi. Việc Thầy công bố Tin Mừng bằng những ngón tay, trên những hàng chữ nổi đã làm cho nhiều người cảm động đến rơi nước mắt. Sự hiện diện và công bố Tin Mừng của thầy Dương hôm nay mang một ý nghĩa lớn đối với các em mồ côi đang sống trong Mái Ấm Hoa Huệ và những ân nhân của Mái Ấm.
Trong bài giảng của mình, cha Giám tỉnh đã làm nổi bật gương của thánh Mô-ni-ca, để qua đó, cộng đoàn tham dự hiểu hơn và noi theo tấm gương sáng ngời của người mẹ tuyệt vời này. Cha nhắn nhủ : “Đối với các con trong Mái Ấm, cha mong các con hãy tiếp tục và nối dài niềm vui của ngày lễ hôm nay. Vì trong cuộc sống của các con, Thiên Chúa, qua người Mẹ của các con là Thánh Mô-ni-ca, luôn đồng hành, chúc lành và bù đắp cho các con. Các con cần sống xứng đáng với những sự yêu thương và giúp đỡ của quý Ân nhân. Và hơn hết, các con phải sống yêu thương nhau…”. Còn đối với quý Ân nhân, Cha nói : “Tôi xin chúc mừng quý Ân nhân, vì Quý vị đã có được trong mình tình yêu thương của những người mẹ. Tình yêu thương ấy, chính thánh Mô-ni-ca đã sống, đã thực hành. Xin Quý vị tiếp tục trở nên những người mẹ như thánh Mô-ni-ca…”
Sau bài giảng, các em trong Mái Ấm đã thay nhau dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện đơn sơ và chân thành.
Thánh lễ được tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể như thường lệ.
Kết thúc thánh lễ, cha bề trên Giám tỉnh thay mặt Hội Dòng cám ơn quý Ân nhân đã cộng tác tích cực với Hội Dòng trong việc nuôi dưỡng và giáo dục các em mồ côi và các em lang thang đường phố. Tiếp đó, cha Hưng, với tư cách là chủ tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, đã giới thiệu cho cộng đoàn tham dự các thành viên của Ban Bác Ái và những công việc Ban Bác Ái Xã Hội của Hội Dòng tại Việt Nam đang thực hiện.
Ban Bác Ái Xã Hội Dòng Đức Mẹ Lên Trời hiện nay có mười thành viên, trong đó có bốn giáo dân và sáu tu sĩ. Hiện nay, Ban bác ái đang trực tiếp thực hiện những công việc như: Nuôi dạy các em mồ côi, mở nhà trọ cho công nhân nghèo, cấp học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo, giúp đỡ những người đang có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn. Trong tương lai, Ban này dự tính sẽ liên kết với các bác sĩ ở một số bệnh viện tại Sài Gòn để tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo.
Mái Ấm Hoa Huệ trực thuộc ban Bác Ái Xã Hội Dòng Đức Mẹ Lên Trời, được thành lập vào năm 1996.
Hiện nay, Mái Ấm do thầy Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Ngọc Thăng phụ trách, có 26 em đang sống trong hai cơ sở. Các em đến từ nhiều vùng miền và có những hoàn cảnh khác nhau.
Tưởng cũng cần nói thêm : Vào ngày 15 tháng 8 năm 2012, dưới sự cho phép của cha Giám tỉnh, thầy Phụ trách đã mở cơ sở thứ hai của Mái Ấm. Cơ sở này tọa lạc gần nhà thờ giáo xứ Lạc Quang, giáo phận Sài Gòn...
Xin Chúa qua lời bầu cử của thánh Mô-ni-ca ban xuống trên các em niềm vui và sự bình an; xin Ngài cũng chúc lành và trả công bội hậu cho những tấm lòng hảo tâm đang ngày đêm âm thầm góp phần mình vào trong công việc cứu giúp những trẻ em mồ côi và trẻ em lang thang đường phố !
Nguyện Nước Cha Trị Đến !
Fx. Phan Dương, aa.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Giáo Xứ Mẫu Tâm Khai Giảng Năm Học Mới

Vào lúc 8h00 ngày Chúa nhật 26 tháng 7 năm 2012, tại nhà thờ giáo xứ Mẫu Tâm, đã diễn ra Thánh lễ Khai giảng năm học mới 2012-2013 cho hơn 500 em thiếu nhi trong giáo xứ.
Trước khi thánh lễ diễn ra, cha chánh xứ Gioan Baotixita Bùi Bá Tam Quan đã cử hành nghi thức khai giảng cho các em ở trước sân nhà thờ.
Sau tiếng trống khai trường, các em thiếu nhi cùng với giáo lý viên và cha chánh xứ tiến vào thánh đường để cùng nhau tham dự thánh lễ.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.
Trong bài giảng, Cha chánh xứ đã nêu lên những điểm cần thiết để các em thiếu nhi cùng nhau thi hành trong năm học mới này. Cha nói : “Các con đi học Giáo lý là học với Chúa Giê-su, bằng cách : Trong nhà thờ, các con cần nghiêm trang, sốt sắng tham dự thánh lễ ; ở lớp học, các con cần trung thực, không gian dối ; ở nhà, các con phải biết vâng lời và giúp đỡ bố mẹ…”
Sau bài giảng, cha chánh xứ Gio-an đã cử hành nghi thức sai đi cho các anh chị giáo lý viên. Sau khi thẩm vấn, cha có lời cám ơn chân thành và hân hoan tiếp nhận anh chị giáo lý viên vào để làm công việc chung của Giáo xứ ; ngoài ra, Cha còn cầu chúc những anh chị này thực hiện sứ vụ của mình trong sự khiêm tốn, quảng đại và nhiệt tình.
Thánh lễ được tiếp tục như thường lệ.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha chánh xứ và Ban giáo lý đã trao giải Chuyên cần tham dự thánh lễ trong những ngày hè cho các em siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày.
Thánh lễ kết thúc, các lớp theo nhau về lớp học, để bắt đầu buổi học đầu tiên, và mang trong mình tâm tình của vị Chủ chăn giáo xứ : “Các con thật hạnh phúc khi được Chúa mời gọi đến để cùng học với Chúa Giê-su. Học với Ngài, các con sẽ trở nên giống như Ngài trong suy nghĩ, lời nói và cách cử xử của mình… Xin Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa và thêm sức cho các con trong suốt năm học mới này…”
“Em học với Giê-su”. Đó cũng lã chủ đề xuyên suốt năm học của các em thiếu nhi trong giáo xứ Mẫu Tâm.
Giáo xứ Mẫu Tâm thuộc giáo hạt Xóm Chiếu, có gần 3000 giáo dân. Hiện nay Giáo xứ đang sốt sắng cử hành Năm Thánh Mừng 50 Năm Hiện Diện, 42 Năm Thành Lập. Đây là thời gian đặc biệt để mọi người trong Giáo xứ sống tâm tình tạ ơn, và cùng nhau “làm mới lại niềm tin vào Thiên Chúa trong Đức Ki-tô”, cũng như tiếp nối con đường mà cha ông đã sống là “sống với Chúa, để sống chân thành với nhau, và sống đẹp với đời”.
Fx. Phan Dương, aa.

Hồng Ân Thánh Hiến

Vào lúc 9h30 ngày 25 tháng 8 năm 2012, tại cộng đoàn Tập Viện Augustinô Bà Rịa, đã diễn ra thánh lễ tuyên khấn lần đầu cho các thầy : Phê-rô Hồ Sĩ Cẩn, Giu-se Nguyễn Hữu Du, và Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Xuân Phúc.
Thánh lễ do cha Phao-lô Nguyễn Văn Hưng, bề trên, giám tập cộng đoàn Tập Viện chủ tế. Cùng đồng tế với ngài có cha Benoit, giám tỉnh tỉnh dòng Pháp, cha hạt trưởng và các cha trong giáo hạt Long Hương, giáo phận Bà Rịa, các cha linh hướng của các thầy và các cha cũng như các thầy phó tế trong Hội Dòng.
Ngoài ra, thánh lễ còn có sự tham dự của đông đảo tu sĩ và thân nhân cũng như ân nhân của các tân khấn sinh.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.
Trong bài giảng của mình, cha Benoit đã một lần nữa nhắc lại ý nghĩa của những lời khuyên Phúc Âm mà các thầy sẽ tuyên khấn. Cha khuyên nhủ các thầy cần sống các lời khuyên ấy trong tình yêu của Đức Ki-tô, và dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.
Sau bài giảng, trong tay cha Giám tỉnh, các ứng sinh đã chính thức tuyên khấn để làm tu sĩ trong dòng Đức Mẹ Lên Trời – nghĩa là từ nay họ sẽ lấy Đức Ki-tô làm trung tâm cho đời sống của họ. Họ sẽ dấn thân theo Ngài trong đức tin, đức cậy và đức mến. Họ tự định, vì tình yêu Đức Giê-su Ki-tô, làm việc mở rộng Nước Chúa nơi họ và xung quanh họ. Và, họ nguyện sẽ trung thành với Đấng sáng lập – cha Emmanuel d’Alzon, trở thành những con người đức tin trong thời đại mình.
Sau phần tuyên khấn, thành lễ được tiếp tục như thường lệ.
Trước khi kết thúc thánh lễ, Cha giám tỉnh đã trao bài sai đầu tiên cho các tân khấn sinh.
Thánh lễ kết thúc sau lời cám ơn của cha Giám tỉnh và các tân khấn sinh.
Sau thánh lễ, mọi người đã tiếp tục chia sẻ niềm vui với các thầy bằng bữa cơm huynh đệ.
Các tân khấn sinh tuyên khấn hôm nay chính thức bước vào nhà tập ngày 20 tháng 8 năm 2011. Sau đó hơn ba tháng (02.12.2011), họ đã phải vĩnh biệt cha Phao-lô Nguyễn Văn Đông, bề trên, giám tập của họ. Sau khi cha Đông về với Chúa, họ được coi sóc và hướng dẫn bởi cha Phao-lô Nguyễn Văn Hưng, bề trên, giám tập đương nhiệm…
Nguyện Nước Cha Trị Đến !
Fx. Phan Dương, aa.

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Cây Đu Đủ Ở Cuối Góc Vườn

Khí trời đầu mùa thu mát lạnh, trong lành. Cảnh vật trong khuôn viên Tập Viện Đức Mẹ Lên Trời thật tuyệt vời với những lùm cây, vườn hoa xanh thắm. Xa xa, những khóm cây rung rinh trong ánh nắng nhạt và làn gió ban chiều ; những đám cỏ dại chen lấn, xô nhau vào chân tường; những đốm hoa trắng nhỏ xíu cũng tìm được những khoảng trống nhỏ nhoi để vươn lên.... Ở cuối góc vườn, cây đu đủ đang đứng một mình giữa trời không, đung đưa những cành lá yếu ớt...
Tôi thả bước trên những con đường nhỏ quen thuộc xung quanh Tập Viện. Để rồi, đến một lúc, tôi dừng lại bên ngôi mộ của cha Phao-lô Nguyễn Văn Đông, nguyên bề trên, giám tập của tôi.
Đứng trước ngôi mộ của Cha, nhìn ngắm bức hình ngài đang tươi cười đặt trên ngôi mộ, tôi nhớ về ngài.
Nhớ lắm, hình ảnh một người cha, cách đây tròn ba năm, cầm chiếc cuốc, dời cây đủ đủ sang bên góc vườn !
Số là : Cha – con chúng tôi chuyển về cộng đoàn Tập Viện khi ngôi nhà đang dỡ dang, vườn tược ngổn ngang với đủ loại cây cối, sỏi đá... Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp... Tôi còn nhớ, lúc ấy, vào trung tuần tháng Tám, đang lúc dọn dẹp, cha – một con người với bộ quần áo cũ kỹ, đầu đội chiếc nón lá mà ai đó đã vứt ở kho vật liệu... đã nhẹ nhàng dời cây đu đủ bé tí mọc ở gần hành lang ngôi nhà, ra phía góc vườn, với hy vọng khi người ta san mặt bằng, cây đu đủ vẫn có thể sống.
Và, cứ mỗi buổi sáng, tôi thấy Cha cầm trên tay chiếc xô nho nhỏ, đến bên cây đủ đủ để tưới nước cho nó.
Thời gian thấm thoát trôi, cây đu đủ lớn dần ; cho tới khi lớp tập sinh đầu tiên của Cha mãn khóa (8/2010), thì cũng là lúc cây đu đủ cho ra những trái đầu tiên.
Song song với dòng chảy của thời gian, Cha gánh trên đôi vai gầy của mình những gánh trách nhiệm mà Giáo Hội và Hội Dòng giao phó. Cha gánh và đi trong niềm vui và sự trung tín. Theo đó, cây đu đủ cứ lớn lên và ngày một sai trái...  
Cho đến một ngày đầu mùa đông năm 2011, đang cất bước trên đoạn đường về  cộng đoàn Tập Viện, tôi nghe chuông nhà thờ cất lên từng tiếng chậm rãi. Tiếng chuông ủ rũ và buồn thảm ấy đã báo hiệu Cha giám tập của chúng tôi đi vào trong Cuộc Sống Mới.
Nghe tiếng chuông chậm rãi, não nề..., lòng tôi đau thắt lại.
Thông thường, mỗi khi tiếng chuông ấy cất lên, cũng là lúc Cha ra nhà thờ dâng lễ ; nhưng hôm nay, cũng tiếng chuông ấy, Cha đã nằm xuống, để rồi mọi người đứng bên Cha đớn đau và thương tiếc. Cha nằm đó ; thánh lễ đầu tiên do các Cha trong Dòng cùng dâng để cầu nguyện cho Cha đã diễn ra. Cha bề trên cộng đoàn Học Viện đã nói trong sự nghẹn ngào : “Thưa anh chị em, những ngày trước đây, mỗi khi có thánh lễ đồng tế, anh chị em vẫn thấy trên cung thánh có sáu linh mục. Đó là sáu anh em trong Dòng chúng tôi ở Việt Nam. Nhưng, hôm nay, chúng tôi chỉ có năm người. Cha Phao-lô Nguyễn Văn Đông đã không còn hiện diện và tham dự thánh lễ với chúng ta bằng xương bằng thịt, ngài không còn đồng tế với chúng tôi nữa... Ngài đã ra đi !”
***
Và hôm nay, trở lại với cộng đoàn Tập Viện, tôi vẫn nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên khi hoàng hôn buông xuống.
Bước ra sau vườn, cây đu đủ đang đứng một mình giữa trời không, đung đưa những cành lá yếu ớt. Dưới những cành lá yếu ớt ấy, ba trái đu đủ đã chín mọng...
Ba trái đu đủ chín mọng ấy – thật trùng hợp, vì hôm nay (25.8.2002), ba tập sinh khóa 3 của Hội Dòng tại Việt Nam đã mãn khóa nhà tập và tuyên khấn lần đầu. Họ chính thức gia nhập vào dòng Đức Mẹ Lên Trời. Không ai khác, chính họ, khi cha đã đi vào Cõi vĩnh hằng, họ đã cùng với Cha giám tập mới và Thầy quản lý tiếp tục chăm sóc cây đu đủ và làm những việc mà trước đây Cha đã làm...
Dưới ánh hoàng hôn mờ nhạt, cây đu đủ còn sót lại ở cuối góc vườn, vẫn đung đưa những cành lá mềm oặt, yếu ớt. Nó đứng chơi vơi lạc lõng như chờ đợi đôi bàn tay quen thuộc đến vuốt ve và chăm sóc vào mỗi buổi sớm mai và lúc hoàng hôn về...
Từ vườn tràm bên kia, tôi nghe tiếng chim họa mi hót trong buổi xế chiều. Tiếng họa mi véo von ấy như đang nhắc nhở : Đu đủ ơi, đừng chờ nữa, Cha đã đi rồi...!
Ngày 25.8.2012
Fx. Phan Dương, aa.

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Chút Tình Cho Em

Em,
Chiều hôm nay, sau khi tan ca ở công ty, tôi trở về cộng đoàn. Đang khi dắt xe ra khỏi cổng, tôi nghe tiếng em gọi. Dừng xe lại, chưa kịp hỏi, em đã nói ngay : “Anh ơi, em xin lỗi, nếu anh có tiền, cho em mượn tạm 20.000. Em đói lắm anh ạ !”. Tôi đang ấp úng và miên man suy nghĩ, vì không biết mình nghe có nhầm không, thì em nói tiếp : “Mấy ngày này em không có tiền mua cơm, phải ra quán cháo ở đầu hẻm ăn thiếu. Những lần trước, bà chủ quán còn vui vẻ cho em ăn thiếu, nhưng hai hôm nay bà không cho em ăn thiếu nữa…”. Nghe tới đây, tôi không muốn cho em nói gì thêm, chi biết rằng, tôi và em sẽ bắt đầu sẻ chia với nhau, trước là vào lúc này.
Em thân mến,
Sẻ chia cho em một chút cháo để lót dạ vào tối nay, tôi tạm biệt em ra về. Ngồi trên xe, dưới khí trí trời se lạnh của mùa mưa Sài Gòn, lác đác có những hạt mưa bay rơi rớt trên mi mắt, tôi nhớ về em và nhớ về những sẻ chia của em.
Em rất thân mến,
Tôi gặp em cách đây chưa lâu. Cuộc gặp gỡ giữa em và tôi không có gì đặc biệt, ngoài sự tình cờ trong công việc. Nhớ lại, ngày đầu tiên bước vào công ty để làm việc, tôi đã thấy em ở đó. Em – một chú bé nhỏ con, da trắng, thân hình gầy còm... Em có đôi mắt sáng, và miệng em luôn tươi cười. Em làm phụ kho ; và tôi, tôi cũng làm việc trong kho cùng với em. Vì làm gần nhau nên em và tôi có dịp chia sẻ với nhau. Sau khi nghe em chia sẻ, tôi biết được gia cảnh của em :
Em sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Tây (bây giở thuộc Hà Nội). Mẹ em qua đời khi em chưa tròn năm tuổi… Mất vợ khi đang còn trẻ, cha em đã đi bước nữa. Cha em lấy một người phụ nữ ở làng khác. Em đã có dì. Cứ tưởng dì sẽ thay mẹ giúp em, bù đắp cho sự mất mát của em, nuôi dạy em khôn lớn, nhưng không, dì đã không những không thương em mà còn đối xử cách tàn nhẫn với em. Dì không cho em ăn, bắt em ngủ ở giữa sàn nhà. Còn bố em, khi mới lấy dì về, bố vẫn thương em và người anh trai của em ; nhưng càng về sau bố càng ghét em : “ghét cay ghét đắng”. Bố luôn nghe lời xúi dục của dì và đuổi em ra khỏi nhà… Khi đang còn mẹ, bố là người siêng năng làm việc. Hằng ngày, bố vác cuốc ra đồng. Nhưng, từ khi lấy dì về, bố không làm việc ngoài đồng nữa, thay vào đó, bố ngồi ghi đề, tổ chức cho người ta đánh bạc trong nhà. Mỗi khi có người đến đánh bạc, bố và dì bắt em và anh trai của em phải ngồi canh công an ở ngoài cổng; thỉnh thoảng nghe bố gọi thì em đi pha mì tôm hoặc ra chợ mua thức ăn cho những người đang đánh bạc trong nhà em…
Em,
Công việc mệt nhọc, nghuy hiểm, cộng với những sự hành hạ và đối xử tàn nhẫn của bố và dì, em không thể sống nỗi trong gia đình. Để tự giải thoát mình khỏi cuộc sống ảm đạm đó, em và anh trai của em đã thực hiện cuộc “Nam tiến”. Sau những ngày lặn lội vời những đồng bạc ít ỏi trên tay, cuối cùng, em cũng đã tới Sài Gòn. Tới được vùng đất mà người ta vẫn thường nói với nhau là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nhưng em không có chỗ nào để nương thân, ngoài những trạm xe buýt và những chiếc ghế chờ ở bến xe. Cứ tháng này qua năm nọ, em đã phải sống trong cảnh như vậy. Cho đến tháng Tư năm nay, em mới tìm cho mình một công việc : phụ kho.
Tuy nhiên, dù đi làm quần quật ngày này đến ngày khác, mỗi khi công ty có tăng ca là em xung phong tăng ca, nhưng  đời sống của em vẫn chật vật và thiếu thốn. Lương cơ bản của em mỗi tháng chỉ được 2.300.000 đồng. Trong khi đó, em phải chi trả bao nhiêu thứ : phòng trọ, tiền điện, tiền nước, tiền sửa xe đạp, và đôi khi em còn bị bệnh, phải mua thuốc… Với đồng lương em nhận được, em không thể nào chi trả đủ, nên đôi khi em phải nhịn ăn.
Em,
Tôi không lạ lẫm gì với cảnh thiếu thốn và chật vật của những người công nhân, nhất là những người lao động nghèo. Tuy nhiên, tôi thấy bất ngờ khi em chia sẻ về thực trạng của em : Đói. Sự bất ngờ đó làm cho trái tim tôi nhói đau : nhói đau cho những phận người và nhói đau cho đời sống thực tại.
Những phận người.
Em,
Được lắng nghe em chia sẻ, tôi biết em không được đến trường. Em đã bị thiệt thòi: thiệt thòi trong suốt thời gian của quá khứ, của hiện tại, và không biết tương lai mù mị nơi nao. Không được đến trường, chẳng có bằng cấp, em đành phải chấp nhận làm phụ kho – một công việc phải đổ ra nhiều sức lực. Tuy nhiên, anh thấy vui, vì em biết chấp nhận số phận. Trong công việc và đời sống, em đã rất nỗ lực và siêng năng … Nhận thấy những nỗ lực và sự siêng năng của em, cộng với những lời chia sẻ rất trưởng thành và có chí hướng vươn lên nơi em, tôi thấy an tâm phần nào. Tuy vậy, khi an tâm về em, tôi lại nghĩ về những em nhỏ mà tôi đã có dịp gặp ở một số nơi.
Em,
Trong những ngày làm việc ở công ty, tôi có dịp gặp gỡ nhiều người. Họ là những người cùng trang lứa với em. Khi được nghe họ chia sẻ, tôi biết được họ cũng chẳng khác gì em. Có những bạn không còn cha mẹ ; có những bạn cha mẹ chia tay nhau để con cái sống vất vưởng; thậm chí như M – một cô gái đã 16 tuổi, nhưng không biết cha mình là ai, vì như bạn đó chia sẻ : “Tại vì mẹ có năm người chồng, mà không đám cưới với ông chồng nào cả, nên em chẳng biết ai là bố”;… . Sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh như thế, các bạn của em cũng đâu được đi học; hoặc nếu có đi học thì cũng chỉ đi cho có lớp, rồi đến một lúc nào đó thì nghỉ học vì nhiều lý do, và cuối cùng phải ra giữa đời kiếm sống.  Sự thiệt thòi này diễn ra trong tuổi thơ, đã làm cho các bạn ngày hôm nay phải vất vưởng giữa dòng đời. Thương thay cho những phận người. Những phận người mà như tác giả Jean Vanier đã nói trong cuồn Tấm thân bị nghiền nát quay về với hiệp thông: “Đứa trẻ đau khổ và thiệt thòi biết bao… và ngày nay, nhiều người là hoa trái của tấm thân tan nát là gia đình họ : những đứa trẻ bị bầm dập, bị bất ổn, chúng không có gốc rể ; chúng không thể lớn lên cách yên ổn ; chúng không biết mình là ai và mình muốn gì…” Và cuối cùng, tương lai của họ cũng mịt mờ nơi nao…
Trong đời sống thực tại.
Em thân mến,
Trong khi đang viết cho em những tâm tình này, thì đồng thời, tôi có nhận được một tin tức tử một người bạn nói về sự việc xãy ra ở giáo xứ Cầu Rầm, giáo Phận Vinh – Nghệ An : công an và chính quyền ngăn chặn việc học tiếng anh của hơn 1000 em học sinh.
Em,
Qua người bạn, tôi biết được việc bổ túc văn hóa và bồi dưỡng thêm môn tiếng Anh là việc làm thường kỳ của cha xứ và hội đồng mục vụ giáo xứ này. Mỗi năm, khi mùa hè đến, để giúp các em học sinh và sinh viên có cơ hội học thêm những kiến thức cần thiết, họ đã tổ chức dạy học miễn phí. Năm nay, việc tổ chức dạy học nơi đây được thực hiện cách chu đáo: có hệ thống máy tính, có những tình nguyện viên từ nước Mỹ tới giúp các em học sinh. Đây là việc làm tốt đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Tưởng rằng, công việc tốt lành đó sẽ diễn ra trong sự yên ổn và được chính quyền ủng hộ. Tuy nhiên, vào những ngày đầu tháng 7, sau khi khóa học được bắt đầu, thì công an và chính quyền đã tìm đủ mọi cách, viện đủ lý do để ngăn chặn việc học của các em. Với những lý do phi nhân, vô pháp luật, công an và chính quyền nơi đây đã ngăn cấm những tình nguyện viên, không cho họ dạy học… Những sự việc ấy xãy ra đã làm cho hơn 1000 em học sinh và sinh viên thất vọng và đau lòng…
Kèm theo những tin tức, người bạn của tôi đã không quên gửi cho tôi một số hình ảnh, trong đó, có những tấm hình của những em học sinh cầm trên tay tờ giấy có ghi “bác Hồ ơi, các chú công an không cho chau học tiếng Anh” hay “xin các chú công an cho cháu học tiếng Anh”… Gọi bác Hồ, bác không nghe, xin công an, công an thinh lặng, các em “mách” với mẹ : “mẹ ơi, các chú công an không cho con học tiếng Anh”…
Em thân mến của tôi,
Nỗi khổ của con em chúng ta ngày hôm nay là như vậy ; sự thiệt thòi và mất mát của các em nhỏ ngày hôm nay là thế. Thử hỏi, không được đến trường, bị ngăn cấm giáo dục…, rồi đây, tương lai của một thế hệ trẻ sẽ về đâu ?
Tôi còn nhớ, vào mùa hè năm ngoái, tôi có dịp thực tập tông đồ ở miền Tây. Khi được sống ở đây, tôi nhìn thấy những nỗi thống khổ của những em thiếu nhi. Các em đang rất nhỏ, nhưng phải bỏ học để đi theo bố mẹ ra đồng làm việc. Tôi không sao quên được hình anh của em Trinh, 12 tuổi. Đang học lớp 5 nhưng Trinh phải bỏ học để theo mẹ đi làm mướn. Công việc mà Trinh và mẹ của em làm là cắt lá dừa để đan nón lá. Mỗi ngày người ta trả cho em 25.000 tiền công. Ngoài Trinh ra, ở nơi đây, còn có nhiều em bé khác nữa không có cơ hội đến trường… Nhìn vào thực tại của các em, tôi thấy thương cho tương lai của các em. Rồi đây, nếu các em không được đi học, thì nghiệp làm thuê làm mướn sẽ theo đuổi em suốt đời.
Em thân mến,
Kể cho em những câu chuyện đó, tôi muốn nói rằng sự đói khát của em hôm nay có thể xoa dịu được, nhưng cơn đói kiến thức, đói sự giáo dục của các em nhỏ mới là một thực trạng đáng phải lo lắng và để tâm.
Em,
Chia sẻ với em những điều trên, không gì khác hơn, tôi thiết tha mong em hãy tiếp tục với những gì em đang sống ; đừng nãn chí với những gì em đang cố gắng, những hãy bắt đầu với nó mà vươn lên. Em đang có một công việc ; em cũng có những đồng tiền lương; và hơn bất cứ điều gì khác, em đang có nghị lực để vươn lên… Vậy thì, hãy cố gắng lên em nhé !
Cuối cùng, tôi xin mượn tâm tình của Cha Giám Đốc Học viện Phanxicô, trong lời giới thiệu của tập nội san Bình An và Thiện Hảo, số 15, để gửi tới em một lời nhắn nhủ : Trong cuộc đời, sẽ có sự xuất hiện của những “tâm hồn nhỏ”. Những tâm hồn này xuất hiện nơi đây như những người bạn tình cờ… Ở đó, một câu nói, một tâm tình, thậm chí những dấu chấm câu bất động… đều có thể là tia lửa nhen lên trong bạn một ý tưởng, để giúp bạn thêm vững tin, thêm nghị lực, thêm đam mê để đi đến tận cùng con đường mà bạn đang đeo đuổi hay biết chọn lựa giữa muôn vàn chọn lựa đang mọc lên khắp nẻo đường của cuộc đời… Vậy thì dù bạn đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn hãy nuôi một khát vọng lớn, một niềm tin lớn và vạch ra một dự phóng cho cuộc đời… Và nều có trở ngại, bạn thân mến, bạn hãy trỗi dậy và bước  đi, bước đi trong trong một tinh thần bình an và thiện chí. Để hy vọng, một ngày không xa, tôi và mọi người muốn nghe câu chuyện “tâm hồn nhỏ” từ phía bạn của ngày hôm nay”.
Cố gắng lên nghe em. Dù biết rằng tình đời lắm lúc chua cay, nhưng chúng ta phải sống, phải vươn lên để những chua cay của tình đời sẽ được thay bằng sự dịu ngọt của hạnh phúc…
Fx. Phan Dương, aa.
fxduongaa@ymail.com

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Thư Gửi Chị : Ơn Gọi Không Phải Thế Đâu

Chị,
Mấy ngày nghỉ tết, em được về thăm quê hương và gia đình. Đây là điều mà em vẫn đợi chờ. Sống đời tu trong tu viện, gia đình cách xa hàng ngàn cây số, nên việc về thăm quê hương và gia đình không phải là chuyện xãy ra thường xuyên, cũng chẳng phải là chuyện mình muốn là được, có chăng, nhiều nhất mỗi năm chỉ được một lần.
Cũng giống như bao lần chuẩn bị về quê khác, lần này em cũng náo nức chờ đến ngày về để được gặp lại những người thân trong gia đình. Và, thời gian của năm cũ càng rút ngắn lại, lòng em càng hướng về gần hơn với đất mẹ. Từng ngày từng giờ, em cứ mong cho thời gian trôi mau, để tạm biệt vùng đất Sài Thành hoa lệ mà về bên vùng đất êm ả với những đàn trâu, với con đường làng và những thửa ruộng xánh ngát màu mạ non… Và…chuyện gì đến nó đã đến. Em đã thật sự về bên quê hương và từng ngày cảm nghiệm được ít nhiều về đời sống hiện tại của quê hương mình.
Chị kính mến,
Quê hương mình thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, mỗi khi nhìn vào thực tế của những đổi thay này, em cảm thấy có vị gì đó đăng đắng từ cổ họng.
Nhớ lại, cách đây chưa lâu, em cũng có dịp về thăm quê. Quê mình năm ấy và những năm trước đó dễ thương lắm. Người người vui tươi. Nhà nhà đầm ấm. Mọi người sống với nhau, bên nhau thật an bình và vô tư. Em đã từng tận mắt chứng kiến những nụ cười thân thiện và dễ mến của những cụ già; những cử chỉ lễ phép, ngoan ngoãn của các em thiếu nhi; sự chất phác và trong sáng của những anh chị thanh niên thiếu nữ trong làng,... Nói chung, vào thời đó, mọi người sống đúng với ý nghĩa của một vùng thôn quê. Tuy nhiên, năm nay, khi em về lại với quê hương, em thấy các em thiếu nhi không được ngoan như trước. Các em đã biết phá phách, theo cách đua đòi với cái gọi là “thời đại”. Em không tin vào mắt mình khi nhìn thấy một nhóm thiếu nhi khoảng 11 – 12 tuổi, ngồi quây quần bên nhau trước cổng nhà thờ với mấy chai rượu và những lon bia. Các em chúc nhau, uống với nhau một cách rất “chuyên nghiệp” và có vẻ “người lớn”. Em cũng chẳng ngờ rằng trong làng ta lại nỗi lên những sòng bài “tự tạo”. Những sòng bài này là của những nam thanh nữ tú, những người mới lập gia đình, thậm chí còn là nơi vui chơi của những người ở lứa thất thập cổ lai hy. Và, điều đặc biệt, em chẳng bao giờ nghĩ rằng chị và một số chị em khác lại ngồi với nhau ở chợ làng, để bàn tán về chuyện “con” này ra khỏi nhà dòng, “thằng” kia xuất tu…
Chị kính mến của em,
Nhớ lại, khi mà trong giáo xứ có một vài thiếu nữ bước chân ra khỏi làng để xin vào nhà Dòng nào đó tìm hiểu ơn gọi, thì chị và mọi người mừng vui. Chị đã mừng vui tới mức, ra ngoài chợ, gặp bất cứ ai, chị cũng khoe : “Con bé con nhà bà A đã đi tu trong nhà Dòng rồi. Gia đình bà ấy có phúc thật. Ước chi con tui mau lớn để cho nó vào nhà Dòng. Phải vào đó mới có thể sướng được, chứ ở trần gian khổ lắm !”. Thú thật với chị, khi em thấy chị đi khoe với người này người kia về chuyện em này em nọ vào nhà Dòng, em cũng thấy vui và mừng : Vui vì ít nhất cảm nhận được niềm vui của chị khi trong giáo xứ có những tâm hồn dám ra đi để dâng mình cho Chúa;  mừng vì qua cách hành động của chị, em nhận thấy nơi con người của chị có sự quảng đại. Sự quảng đại đó có vẻ như đang là nguồn động viên và khích lệ cho các em và cả gia đình các em sẵn sàn hy sinh những con người cho Chúa.
Thế nhưng, thưa chị của em,
Sự vui mừng đó của em chưa được bao lâu, thì giờ đây đã tan thành mây khói.
Số là sáng sớm hôm ấy, em thay mẹ đi chợ mua thức ăn. Nói là chợ nhưng thực ra đây chỉ là cái ngã ba đường - nơi người ta họp nhau lại để trao đổi những món hàng nho nhỏ như những con gà, con vịt và mấy nắm rau nho nhỏ. Trong khi đang mua hàng, vô tình, em nghe chị nói với hai chị bạn : “Con M con ông B ra khỏi nhà Dòng rồi. Mà nó ra khỏi nhà Dòng cũng đúng thôi. Trước đây ông bà nội của nó sống không ra chi. Đến đời cha mẹ nó sống cũng chẳng ra gì với làng xóm. Và cả nó nữa, chắc là vào trong nhà Dòng lại cái tật ăn trộm ăn cắp nên người ta mới đuổi về…”
Chị,
Nghe chị đánh giá về chị M mà lòng em nhói đau : Nhói đau vì chị đã hiểu sai vấn đề; nhói đau vì vô tình chị đã làm ảnh hưởng đến thanh danh của chị M cũng như những người thân (kể cả những người đã khuất) của chị ấy. Em tin rằng việc chị M hay anh L ra khỏi nhà Dòng không phải vì lý do đơn thuần như chị đã đưa ra là do ông bà nội, cha mẹ hay chính bản thân chị ấy vào trong nhà Dòng ăn trộm ăn cắp, nhưng là do một lý do vượt trên những lý do đó, đó là huyền nhiệm ơn gọi.
Sống trên cõi đời này, mỗi người được Thiên Chúa đặt để trong mình một ơn gọi riêng. Đối với chị, ngay từ ban đầu, Thiên Chúa muốn chị sống ở giữa trần gian bằng việc lấy chồng, sinh con và nuôi dạy con cái. Đối với cha xứ thì ngài được Thiên Chúa mời gọi sống đời tận hiến cho Chúa qua đời sống linh mục. Để qua đời sống này, ngài phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, trong đó có chị và có em. Còn đối với chị M, Anh L hay thầy D thì Thiên Chúa lại đặt để nơi họ một ơn gọi khác. Tuy nhiên, khác với chị, khác với cha xứ, họ chưa phân định rõ ơn gọi của họ. Chính vì thế, họ cần có thời gian để phân định. Trong thời gian qua, họ sống trong cộng đoàn này, dòng tu kia cốt là để làm việc đó. Họ cần tìm cho mình một hướng đi cụ thể, hợp với ý Chúa muốn nơi họ. Ở trong nhà Dòng, nhưng đến một lúc nào đó, họ nhận ra rằng ơn gọi tu trì không phải là ơn gọi mà Thiên Chúa muốn họ sống, thì họ có quyền lấy cho mình một chọn lựa khác. Vì họ được Thiên Chúa mặc khải để sống một ơn gọi khác. Cho nên, em nghĩ, chúng ta đừng nên vội lên án họ. Việc họ nhận ra được thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của họ, đó là một niềm vui, thậm chí là cả một ân sủng. Thay vì lên án, khích bác, chúng ta cần chúc mừng họ.
Chị kính mến,
Nói với chị điều này, em nhớ tới cha Michel Rondet, S.J. Ngài là một con người rất nổi tiếng trong việc đồng hành thiêng liêng và giúp phân định ơn gọi. Trong cuốn Lời thì thầm của Chúa hay những nẻo đường khác nhau trong hành trình tâm linh[1], ngài đã nói : “Vấn đề phân định các ơn gọi đặt chúng ta đứng trước một vấn đề còn rộng lớn hơn, đó là ý muốn của Thiên Chúa…” (tr. 132) Đọc những lời quả quyết này của cha Rondet, chị và em phần nào đã thấy rõ vai trò của Thiên Chúa trong việc chọn lựa và bước theo ơn gọi. Con người cần để cho Thiên Chúa hành động trên cuộc đời của mình. Đặc biệt, con người cần để cho thánh ý của Ngài vựợt trên những ước muốn của chúng ta. Có lẽ, nhiều lúc chị M, anh L, thầy D đã muốn gạt bỏ ý Thiên Chúa sang một bên. Bởi vì, đôi khi, họ nhận ra rằng họ không có ơn gọi tu trì, nhưng muốn ở lại trong nhà Dòng, vì biết rằng sau mấy năm ở trong nhà Dòng, giờ ra ngoài, nhiều người sẽ nói họ là “đồ tu xuất”. Từ “tu xuất” sẽ ám ảnh họ và làm rào cản để họ thi hành thánh ý của Thiên Chúa… Nhưng không, họ đã vượt qua được rào cản ấy. Họ chấp nhận bị coi là “tu xuất” còn hơn là sống một cuộc sống không có tự do. Thực hiện việc làm này, họ ý thức được rằng họ sẽ thất bại và mất tất cả nếu như họ sống trong sự ép buộc… Vậy thì có lý do gì ngăn cản chúng ta chúc mừng họ ?! Chúc mừng họ rồi, nhưng có một điều mà có lẽ hơn ai hết, chị và em cùng nhau nhìn vào một thực tế của cuộc sống. Đôi khi, trong cuộc sống, chị, em và nhiều người khác bị luẩn quẩn trong vòng xoáy của việc nhận ra thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của mình. Vì đường lối của Thiên Chúa khác xa đường lối của chúng ta, nên lắm lúc chúng ta cảm thấy rất khó khăn trong việc ra ra thánh ý của Ngài. Hiện diện và sống trong cuộc đời này, có những lần chúng ta bị Thiên Chúa đặt ở ngã ba đường. Ngài bắt chúng ta phải chọn cho mình một con đường, đường đó phải tốt, nhưng khổ nỗi, Ngài chẳng chỉ cho chúng ta biết đâu là con đường tốt để chúng ta đi… Đây quả là một điều khó khăn cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có quyền tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta, và Ngài gọi chúng ta đến với Ngài bằng cái tên thật của mỗi người; Ngài đến gặp gỡ chúng ta bằng một lối đi rất riêng cho từng người, không ai giống ai…
Chị kính mến của em,
Chia sẻ với chị những điều này, mục đích của em không phải là để lên án chị, nhưng là để cảm thông với chị. Em cảm thông vì em biết rằng dù ít dù nhiều con tim của chị vẫn hướng về những người đã, đang và sẽ sống cuộc sống dâng hiến cho Chúa. Đây là điều tốt đẹp mà không ai khác, chính Giáo Hội là Mẹ của chúng ta luôn kêu mời (…)[2]. Tuy vậy, một điều mà em vẫn hằng mong ước là mỗi khi có ai đó thay đổi chọn lựa của mình để sống một cuộc sống khác, thì xin chị nhớ cho rằng, điều  quan trọng mà Thiên Chúa đã thực hiện khi tạo dựng con người là để cho con người tự do... Nơi cuộc sống của mỗi người, ngay từ ban đầu, Ngài để cho con người tự do tìm kiếm, chọn lựa, thì khi mặc khải cho con người biết hướng đi mới, Ngài cũng để cho con người được tiếp tục tự do kiếm tìm và lựa chọn, miễn sao con người được hạnh phúc.
Chị,
Cũng giống như Ab-ra-ham, Mô-sê, Giê-rê-mi-a, Phê-rô, Phao-lô hay các ngôn sứ và môn đệ khác, Thiên Chúa vẫn đang gọi tên chúng ta. Ngài gọi từng người, từng người một. Ngài gọi chúng ta, mỗi người một cách, một phương thế khác nhau, để xây dựng thế giới này. Vậy thì, bằng những công việc rất nhỏ hằng ngày, chị và em cùng nhau thắp lên một ngọn nến, để làm cho thế giới được bừng sáng hơn, ngỏ hầu tình thương của Thiên Chúa luôn được chị, em và tất cả mọi người đón nhận, chúc tụng và ca khen, chị nhé !
Fx. Phan Dương, a.a.


[1] Sách đã được Lm Đặng Xuân Thành dịch ra Tiếng Việt. Bản Tiếng Việt do NXB Tôn Giáo xuất bản năm 2009.
[2] Công đồng Vatican II nói rằng “Các linh mục và các nhà giáo dục Kitô giáo phải hết sức cố gắng để cổ động cho ơn gọi tu dòng được thêm đông, được chọn lựa thận trọng và thích đáng hầu đáp ứng đầy đủ với nhu cầu của Giáo Hội. Ngay khi giảng dạy thường ngày, cũng hãy năng đề cập đến các lời khuyên Phúc Âm và việc chọn lựa bậc sống tu dòng. Trong khi giáo dục con cái theo luân lý Kitô giáo, cha mẹ phải vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi tu trì trong tâm hồn chúng…” (CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh Canh Tân Dòng Tu, số 24, tr. 391).