Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Có Chăng Một Cái Nghèo Nơi Người Trẻ

Thế giới mà con người đang sống hôm nay được mặc bởi chiếc áo hào nhoáng và tinh tế. Tuy nhiên, trong thế giới ấy, có những dấu chấm bất động của sự lạnh lùng. Sự lạnh lùng ấy có thể đến từ quá nhiều luồng thông tin khác nhau như  kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, giáo dục, tôn giáo, v.v. Lãnh hội một “hệ thống thông tin” vừa có tính hào nhoáng vừa được dệt từ vô số nguồn khác nhau, một số người trẻ có vẻ như đang choáng váng, ngột ngạt và đôi lúc có chút hoang mang. Chưa hết, vì cảm thấy “đói thông tin”, người trẻ đang có xu hướng cố gắng hấp vào trong mình càng nhiều thông tin càng tốt, để rồi khối óc của họ phình ra, trong khi trái tim thì bị co thắt lại... Sống với sự khập khiểng này, không ít bạn trẻ đã và đang đối diện với những chênh vênh của cuộc đời.
Từ khập khiểng…
Thông tin ngập tràn, phương tiện đầy đủ, người trẻ tự tin và có chút kiêu hãnh để đi vào trong thế giới siêu tốc của kỹ thuật số. Ở đó, họ tha hồ tự khẳng định mình. Họ cảm thấy thỏa mãn và xứng đáng lãnh nhận tất cả những thứ đó. Và như thế, cơ hội để được ôm trong mình những nỗi băn khoăn, lo lắng về sứ mạng phải sống thế nào cho đúng nghĩa, đúng với phẩm giá thiêng liêng và cao quý vốn có nơi họ là điều hết sức khó khăn.
Từ viễn cảnh ấy, chúng ta thấy rằng có không ít những bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi, chán ngán và đơn độc. Sự mệt mỏi và đơn độc nơi người trẻ cho phép ta nhìn tới một tình trạng “nghèo đói”. Sự nghèo đói này của ngày hôm nay đã trở nên tinh vi đến thế ! Nó được bao bọc bởi nhiều ảo ảnh của cuộc đời, như Huấn thị xuất phát lại từ Đức Ki-tô của Thánh bộ đời sống thánh hiến (19.5.2002) đã nói : “Bên cạnh những hình thức nghèo đói cổ xưa, còn có những hình thức mới như : thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tình trạng nghiện ngập ma túy, sợ bị ruồng bỏ vì tuổi già hay bệnh tật, sống bên lề xã hội hay việc phân biệt đối xử trong xã hội. Trong các hình thức truyền thống và hình thức mới, truyền giáo đầu tiên là việc phục vụ phẩm giá con người trong một xã hội phi nhân hóa, vì sự nghèo đói cùng cực và nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta là nhẫn tâm chà đạm lên các quyền của con người”( số 35).
đến sự cân bằng…
Như vậy, cái đói của người trẻ hôm nay là sự thay đổi và dạt vào trong sự thay đổi đó […]; để rồi Thánh Công Đồng nhắc nhở : “Những hoàn cảnh sống của người trẻ, những nếp sống tinh thần và cả những tương quan của họ với gia đình và xã hội đã thay đổi rất nhiều. Thường thường họ chuyển quá nhanh sang một hoàn cảnh xã hội và kinh tế mới…” (Apostolicam Actuositatem, số 12).
Tiếp nhận sự thay đổi ấy, một cách nào đó, người trẻ mất thăng bằng và trở nên nghèo.
Vậy chúng ta phải làm gì ?
Hơn bao giờ hết, người trẻ đang cần đến một sự hiện diện của một ai đó. Sự hiện diện của cảm thông và chia sẻ nhưng có chút tế nhị. Để rồi, nơi cõi lòng cô vắng, họ được khơi lại một cảm thức mãnh liệt về sự sống đích thực nơi họ. Và, trong hành trình sống, dù có bao nhiêu cuộc gặp gỡ, nhưng họ vẫn cần những cuộc gặp gỡ mang chút chân tình của một ai đó để chia sẻ tiếng nói thành thật nhất của con tim và của lương tâm con người. Hơn nữa, dù họ tiếp nhận những lời động viên khích lệ hằng ngày, nhưng họ vẫn cần sự đồng cảm tha thiết của một ai đó sẵn sàng ngồi lại với họ để đánh giá và lựa chọn những giá trị sống chân thực… Cuối cùng, dù những thông tin mà họ lãnh hội không thiếu, nhưng họ vẫn cần sự đồng hành hòa hợp của một ai đó để cùng đi với họ trên những nẻo đường tâm linh, tiến về cùng đích của vận mệnh con người…
để rồi hy vọng.
Như vậy, với cương vị là người đồng hành, “một ai đó” đóng vai trò hết sức quan trọng. Qua “một ai đó”, Giáo hội muốn thực hiện sứ mạng hướng dẫn đời sống đức tin cho những người trẻ.
Tuy vậy, tiên vàn, cần giúp những người trẻ ý thức về sự cân bằng giữa khối óc và con tim. Để trong cuộc sống, họ cảm nghiệm được rằng “tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, sống trong cuộc đời này,  mọi người gắng giúp nhau để cho tâm hôn trở nên đẹp. Bạn giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng…”
Có như thế, người trẻ mới có thể tiếp tục lên đường, tiếp tục trải nghiệm trong hành trình nhân thế của mình. Và hơn thế, người trẻ có thể sẽ trở nên “chứng tá Tin Mừng mà thế giới dễ cảm nhận nhất là chứng tá về thái độ lưu tâm đối với con người và về lòng bác ái đối với những người nghèo khổ, bé nhỏ và khổ đau” (X. ĐTC GIO-AN PHA-LÔ II, Thông điệp cứu độ, số 42). Bởi vì mọi sự trở nên tốt hơn nếu chúng ta bắt đầu từ lòng yêu thương con người, tôn trọng phẩm giá và cả nỗi đau của con người…
Fx. Phan Dương, a.a.

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện Gx. Thị Nghè Mừng Bổn Mạng

Vào lúc 18h00 ngày 06 tháng 4 năm 2013, tại nhà thờ Gx. Thị Nghè, Gp. Sài Gòn, đã diễn ra thánh lễ bổn mạng Lòng Thương Xót Chúa của Nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện.
Chủ tế thánh lễ là cha Phê-rô Trần Văn Huyền, dòng Đức Mẹ Lên Trời ; cùng đồng tế với ngài có cha Phê-rô Maria Giu-se Hà Thiên Trúc, phụ tá giáo xứ Thị Nghè.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí sốt sắng và trang nghiêm, với sự tham dự của đông đảo tu sĩ và giáo dân trong cũng như ngoài giáo xứ.
Trong bài giảng, cha chủ tế nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa ban xuống cho con người qua Con Một của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Ngài nói : Tình yêu thương của Thiên Chúa được trải dài nơi cuộc đời của mỗi chúng ta. Tình yêu thương ấy đến với chúng ta một cách nhưng không… Và hôm nay, chúng ta nhận thấy, cùng với những người tin vào Chúa, nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện của giáo xứ đã và đang đón nhận tình yêu ấy bằng sự yêu thương, sống động, và tràn đầy hy vọng. Các thành viên trong nhóm đã đáp trả và đón nhận qua việc học hỏi, suy niệm và chia sẻ Lời của Thiên Chúa...
Cha diễn giải thêm : Tình yêu thương của Thiên Chúa được bộc lộ cách rõ nét qua cái chết và sự sống lại của Đức Giê-su Ki-tô, Người Con Chí Ái của Người. Cái chết và sự sống lại ấy đã thay đổi tận căn số phận của nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Ðây là điều kỳ diệu trong đó được thể hiện trọn vẹn tình thương của Thiên Chúa Cha, một tình yêu không ai hiểu thấu, Ðấng vì phần rỗi chúng ta và, để cứu chúng ta, Chúa đã nộp chính Con yêu…
Kết thúc thánh lễ, mọi người quy tụ bên nhau trong khuôn viên giáo xứ để cùng hát ca ngợi Chúa và tiếp tục niềm vui với Nhóm qua bữa cơm huynh đệ.
Buổi ca ngợi Chúa và dùng cơm huynh đệ có sự hiện diện của cha sở và các cha phụ tá Gx.Thị Nghè, Cha giám đốc Đại Chủng Viện Giu-se Sài Gòn, cha Giu-se Đặng Lĩnh, quý cha quý thầy dòng Đức Mẹ Lên Trời, dòng Thánh Thể, dòng Thánh Tâm…, hội đồng mục vụ các giáo xứ, đại diện nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện của các giáo xứ và đông đảo quý khách.
Những tiết mục liên quan đến ngợi ca lòng thương xót Chúa, tôn vinh Lời của Người và những ca khúc nói về phận người… được các linh mục nhạc sĩ, các nghệ sĩ, các em thiếu nhi, các ca đoàn và các nhóm Kinh Thánh hát lên làm cho buổi ngợi ca thêm linh thiêng và ý nghĩa.
Kết thúc buổi ngợi ca lòng thương xót Chúa, quý cha, quý tu sĩ và mọi người chia tay nhau ra về mang theo ước vọng làm cho Thiên Chúa lớn lên, trong tim mình và trong tim người khác, trên quê hương và trên thế giới ; vì Thiên Chúa là ánh sáng, là đường đi, là sự sống, là chân lý ; Ngài đã đến để soi nẻo đường ta đi, đưa ta lên quê trời, cho ta sống muôn đời và giải thoát chúng ta (theo bài hát Hãy Làm Cho Ngài Lớn Lên).
Nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện Gx. Thị Nghè được thành lập vào năm 2004, do cô Maria Đoàn Thanh Loan. Hiện tại, Nhóm có 50 thành viên ; vào các buổi chiều thứ hai trong tuần, các thành viên trong nhóm quy tụ với nhau trong khuôn viên giáo xứ để học hỏi, suy niệm, chia sẻ và cầu nguyện với Kinh Thánh ; mỗi tháng, Nhóm được cha Giu-se Nguyễn Trọng Viễn, o.p. đến chia sẻ và truyền lại những kinh nghiệm về việc tiếp cận và cầu nguyện với Thánh Kinh ; mỗi năm, ít nhất có ba lần các thành viên trong Nhóm quy tụ bên nhau để tĩnh tâm…
Hiện diện trong giáo xứ Thị Nghè, Nhóm đã có những đóng góp cụ thể như hát lễ (ca đoàn Kinh Thánh Cầu Nguyện được cha sở chính thức thành lập vào năm 2012), tham gia các hoạt động mục vụ của giáo xứ, đến với các mái ấm và các vùng dân tộc thiểu số để thăm viếng và sẻ chia, v.v.
Ước gì triều đại của Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta và xung quanh chúng ta!
Fx. Phan Dương, a.a.

Học Viện Phan-xi-cô Hành Hương và Dã Ngoại

Thứ 7 ngày 6 tháng 4 năm 2013, ban giám đốc, ban giáo sư, các nhân viên, quý khách và gần 150 tu sĩ sinh viên của Học viên Phan-xi-cô đã hành hương về nhà thờ Đức Mẹ La Mã Bến Tre, Gp. Vĩnh Long và tham quan khu du lịch Cồn Phụng, Bến Tre.
Hành hương và dã ngoại được tổ chức sau đại lễ Phục Sinh như là một việc làm mang tính thông lệ của Học viện này.
Năm nay, Học Viện chọn nhà thờ Đức Mẹ La Mã Bến Tre và khu du lịch Cồn Phụng để vừa được về bên Mẹ, cùng Mẹ đồng hành và hiện diện với Đức Giê-su trên con đường khổ giá và biến cố phục sinh, vừa có cơ hội khám phá vùng đất mang tính lịch sử và lãng mạn của Miền Tây.
Ngày hành hương – dã ngoại được bắt đầu bằng thánh lễ. Cha Phao-lô Nguyễn Đình Vịnh, cựu giám đốc Học viện đã chủ tế thánh lễ này. Đồng tế với ngài có cha Giu-se Vũ Liên Minh, giám đốc, cha FX. Phó Đức Giang, giám học và các cha trong ban giáo sư của.
Trong lời chào đầu lễ, cha chủ tế chia sẻ : “Quy tụ nơi đây, trong ngôi thánh đường này, chúng ta mang trong mình tâm tình của những người hành hương đi tìm sự sống, mang trong mình tâm tình của người hành hương đi ăn mày ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta đến đây, dâng thánh lễ, để tìm lại sự sống của Đức Ki-tô ở trong chúng ta. Chúng ta đến đây để tìm lại nguồn ân sủng của Đức Maria đã nhận được từ Thiên Chúa… Đây là dịp tốt để chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho Học viện, để Học viện tiến tới trong ân sủng, bình an và thánh ý của Thiên Chúa ; đồng thời, chúng ta cầu nguyện cho hết mọi người, nhất là những ai đang mang bên mình khao khát tìm về sự sống và nguồn ân sủng của Đức Ki-tô…”
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng và cảm động.
Kết thúc thánh lễ, mọi người quy tụ bên nhau trước linh ảnh Đức Maria, để cùng với Mẹ dâng lên Thiên Chúa những lời tạ ơn và cầu xin. Qua đó, như Mẹ,  nhờ lòng tin, đón nhận lời Thiên thần, và trong tinh thần vâng phục, tin vào lời của Thiên Chúa (x. Tông thư – Tự sắc Porta Fidei về Năm Đức Tin 2012 – 2013, số 13).
Sau thánh lễ, ban giám đốc, ban giáo sư, các nhân viên, quý khách và các tu sĩ sinh viên đi đến khu du lịch Cồn Phụng, Bến Tre để tham quan và nghỉ ngơi.
Đến với khu du lịch nằm bên cạnh cầu Rạch Miễu nối Mỹ Tho với Bến Tre, với diện tích khoảng 28héc-ta này, anh em được tiếp cận với nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ, như chèo xuồng trong những kênh rạch dọc theo những rặng dừa nước xanh tươi, đi xe ngựa tham quan các vườn cây ăn trái hay làng nghề truyền thống với những chế tác thủ công nhưng vẫn đầy tính chuyên nghiệp, thưởng thức loại trà pha mật ong thoang thoảng mùi hương nhãn và đắm mình trong những luyến láy ngọt ngào của đờn ca tài tử Nam bộ… Ngoài ra, anh em còn có dịp khám ra đời sống của những người dân nơi đây. Ngoài việc trồng cây ăn quả, họ còn phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đặc biệt, trong sinh hoạt đời thường, những người dân này còn biết tận dụng từ thân, xơ, lá, sợi của cây dừa để chế tác thành những sản phẩm độc đáo như giỏ, đũa, thìa, hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm và, kẹo dừa-vốn sản phẩm nổi tiếng của vùng đất này…
Sau khi tham quan khu du lịch Cồn Phụng, anh em lên xe trở về Học viện trong tâm tình cảm tạ. Cảm tạ vì được về bên Mẹ để “ăn mày ân sủng của Thiên Chúa” cũng như đến với vùng đất mới để khám phá đời sống và sinh hoạt của những con người… Nhờ đó, qua ân sủng của Thiên Chúa, mọi người trở nên chứng tá, để loan truyền cho nhau về tình yêu thương và nền văn minh sự sống, ngõ hầu triều đại Thiên Chúa ngự trị nơi chính mình và nơi những người xung quanh.
Học Viện Phan-xi-cô do cha Giu-se Vũ Liên Minh làm giám đốc, được thành lập vào năm 2007. Hiện nay, Học viện có 170 tu sĩ sinh viên, đến từ 13 Hội Dòng, chia thành sáu lớp !
Nguyện Nước Cha Trị Đến !
Fx. Phan Dương, a.a.