Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Tiếng Kêu Của Thiên Chúa Và Tiếng Kêu Của Con Người

Nói đến Mùa Chay, vào thời trung cổ, người ta thường nhấn mạnh đến những cách thế hy sinh hãm mình. Nhưng ngày nay, Hội Thánh nhắc lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa của công việc đó. Quả thế, sống tinh thần Mùa Chay một cách có ý nghĩa là sống làm sao để việc hy sinh hãm mình được qui hướng về Thiên Chúa, tôn vinh Người, đồng thời cũng qui hướng về tha nhân, để lưu tâm giúp đỡ, sống tình bác ái huynh đệ. Thực hiện điều này cũng là lúc con người bắt đầu một cuộc cố gắng tuy đòi hỏi nhưng đem lại sự giải thoát, đưa họ tới chỗ lắng nghe tiếng kêu của Chúa cũng như tiếng kêu của con người.
Tiếng kêu của Thiên Chúa.
Nói đến tiếng kêu, chúng ta thấy trong Kinh nói tới khá nhiều, nhất là trong Thánh Vịnh. Khi con người gặp đau khổ, tai ương, hoạn nạn…, để biểu lộ trạng thái của mình, họ đã kêu lên. Tiếng kêu của họ đã thấu tới tai Thiên Chúa. Ngày nay cũng thế. Những lúc hoạn nạn, gian nan, con người cũng cất tiếng kêu. Tiếng kêu của con người hôm nay cũng thấu lên tới tai Thiên Chúa. Hai tiếng kêu của hai thời ấy đã hòa lẫn với nhau. Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu của con người. Còn con người thì sao ? Khát vọng của con người vẫn là làm sao để nghe được tiếng kêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đôi khi con người quên rằng để nghe được tiếng kêu từ Thiên Chúa, họ cần lắng nghe tiếng kêu của con người.
Chúng ta biết, thánh Âu-tinh, trong những năm đầu của cuộc đời, ngài đã bị “điếc”. Ngài không nghe được tiếng kêu của Thiên Chúa. Nhưng những năm sau, ngài đã nghe được tiêng kêu vọng từ trời cao của Thiên Chúa. Thánh Âu-tinh đã tự nhận định về mình : “Tôi bị điếc”. Còn chúng ta, chúng ta có bị điếc với Lời Chúa không ?
Trong cuốn Tự Thuật, thánh Âu-tinh đã thổ lộ : “Ngài đã nói những tiếng nói rất mạnh vào trong tâm khảm của con”. Thú nhận điều này, Âu-tinh giải thích : Tiếng Chúa, con người không thể nghe được bằng lỗ tai trên đầu, nhưng sẽ được lắng nghe bằng lỗ tai của con tim ; Âu-tinh đã bắt đầu lắng nghe như thế!
Mùa Chay mời gọi chúng ta mở con tim để lắng nghe...
“Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Mt 11,15). Lời mời gọi này của Chúa Giê-su vang lên để muốn nhắc nhở rằng chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa. Lắng nghe trong thinh lặng và cầu nguyện. Lắng nghe bằng lỗ tai ở trong con tim chứ không phải chỉ ở lỗ tai trên đầu. Bởi vì con tim luôn biết kêu cầu. Mà thời gian đầu tiên của kêu cầu là lắng nghe tiếng kêu của Thiên Chúa.
Như đã nói ở trên, thánh Âu-tinh, trong thời gian đầu, ngài bị điếc. Nhưng khi nghe được tiếng Chúa. Ở trong một khu vườn, tiếng Chúa cất lên, Âu-tinh đã nhận ra ý Chúa. Ngài đã bắt gặp thư của thánh Phao-lô, chương 13, lấy Đức Ki-tô để sám hối. Ngài đã lắng nghe tiếng kêu của Đức Ki-tô. Ngài đã cố gắng lắng nghe trước khi nói. Nhờ đó, Ngài đã đi vào trong cuộc đối thoại huyền nhiệm với Thiên Chúa.
Tiếng kêu của con người.
Thánh Âu-tinh rất thích Thánh Vịnh 130 : Tiếng kêu từ vực thẳm. Ngài đã giảng bài Thánh Vịnh này ở nhà thờ. Trong khi giảng, ngài hỏi các tín hữu đang lắng nghe ngài : “Chúng ta đang ở vực thẳm nào mà kêu lên Thiên Chúa ?”.
Ông Giô-na đã kêu lên Thiên Chúa khi ở trong bụng cá. Tiếng kêu thẳm sâu được cất lên khi ông ở trong vực thẳm của sự đớn đau… Còn chúng ta, chúng ta hãy kêu lên Thiên Chúa từ vực thẳm đớn đau của chúng ta. Vực thẳm đớn đau ấy là tội lỗi. Chính tội lỗi đã gây cản trở tiếng kêu của chúng ta lên Thiên Chúa.
Hãy kêu. Kêu để được nghe.
Đọc Tin Mừng thánh Mát-thêu đoạn cuối của chương 19, chúng ta thấy người mù Giê-ri-khô đã kêu cầu Đức Giê-su. Cho dù đám đông ngăn cản, nhưng người mù này càng kêu lớn tiếng. Tiếng kêu này đã thấu tới tai Đức Giê-su. Đức Giê-su đã dừng lại, chạm vào mắt ông. Ông thấy được và đi theo Đức Giê-su.
Khi suy niệm đoạn Tin Mừng này, thánh Âu-tinh đã nói : Ngày hôm nay Thiên Chúa vẫn đi qua con đường của chúng ta. Chính vì thế, chúng ta hãy kêu cầu Ngài. Khi chúng ta kêu lên, Ngài sẽ dừng lại…
Quả thế, cuộc đời của chúng ta cần được Thiên Chúa dừng lại để viếng thăm và chữa lành. Hơn nữa, chúng ta cần để cho Chúa dừng lại để mở đôi mắt, lỗ tai, miệng lưỡi và con tim của chúng ta. Mở để chúng ta kêu và lắng nghe tiếng kêu của Ngài. Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã mở tất cả những gì mình đang có ra để sẻ chia cho những người nghèo.
Tuy nhiên, khi cất tiếng kêu, lúc mở con tim để kêu lên, để lắng nghe, chúng ta sẽ gặp phải những chướng ngại như chướng ngại mà đám đông đã gây nên cho người mù Giê-ri-khô. Chướng ngại ấy cản trở tiếng kêu của chúng ta. Như xưa, người mù Giê-ri-khô bị cản trở khi kêu lên Chúa bởi đám đông, thì hôm nay con người gặp phải những trở ngại tương tự như thế. Để vượt qua những trở ngại ấy, chúng ta cần kêu lên. Nhưng phải kêu như thế nào ?
Thánh Âu-tinh nói : Có những con người miệng thì hát vang những lời tán tụng, nhưng con tim thì im lặng cách đáng sợ.
Bon-nơ-phơ khẳng định : Thà Thiên Chúa nghe những lời chửi bới của những người vô thần, còn hơn là nghe những lời cầu nguyện theo thói quen.
Như vậy, chúng ta cần cất tiếng kêu bằng con tim biết yêu thương của chúng ta.
Tiếng kêu của người nghèo.
Thánh vịnh 33 đã nói : “Kẻ nghèo hèn kêu lên và Chúa đã nhậm lời”.
Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện của những người nghèo. Vì thế cần phải nghèo đích thực để tiếng kêu của chúng ta thấu tới tai của Thiên Chúa.
Vào mỗi buổi sáng, chúng ta vẫn thường nói : “Lạy Chúa, xin mở miệng con, để con cất tiếng ngợi khen Ngài”. Như vậy, lời cầu nguyện của chúng ta phải là lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã kêu lên cùng Chúa Cha : “Lạy Cha sao Cha bỏ con ?”.
Đối với Chúa Giê-su, tiếng kêu của con người trở thành tiếng kêu của Thiên Chúa. Những đau khổ hoạn nạn của con người là đau khổ hoạn nạn của Thiên Chúa.
Thánh Âu-tinh đã nói : Tiếng kêu của Chúa Giê-su không bao giờ dừng lại. Vì thế, trong Đan viện, các đan sĩ nhìn thời giờ để nói rằng lời cầu nguyện không bao giờ dừng lại.
Trong cuộc đời chúng ta, chúng ta cần cầu nguyện không ngừng, để kêu lên Thiên Chúa. Vì những khát khao phát xuất từ con tim của chúng là những khát khao của Thiên Chúa. Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của chúng ta. Như vậy, chúng ta cần phải lắng nghe tiếng kêu của Ngài qua những người nghèo. Họ đang kêu lên trong sự bi đát, đớn đau…
Ước gì trong mùa Chay Thánh này, chúng ta luôn mở đôi tai nơi con tim, để lắng nghe tiếng kêu của họ…
Mùa Chay 2013
Fx. Phan Dương, aa.