Chị,
Mấy ngày nghỉ tết, em được về thăm quê hương và gia đình. Đây là điều mà em vẫn đợi chờ. Sống đời tu trong tu viện, gia đình cách xa hàng ngàn cây số, nên việc về thăm quê hương và gia đình không phải là chuyện xãy ra thường xuyên, cũng chẳng phải là chuyện mình muốn là được, có chăng, nhiều nhất mỗi năm chỉ được một lần.
Cũng giống như bao lần chuẩn bị về quê khác, lần này em cũng náo nức chờ đến ngày về để được gặp lại những người thân trong gia đình. Và, thời gian của năm cũ càng rút ngắn lại, lòng em càng hướng về gần hơn với đất mẹ. Từng ngày từng giờ, em cứ mong cho thời gian trôi mau, để tạm biệt vùng đất Sài Thành hoa lệ mà về bên vùng đất êm ả với những đàn trâu, với con đường làng và những thửa ruộng xánh ngát màu mạ non… Và…chuyện gì đến nó đã đến. Em đã thật sự về bên quê hương và từng ngày cảm nghiệm được ít nhiều về đời sống hiện tại của quê hương mình.
Chị kính mến,
Quê hương mình thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, mỗi khi nhìn vào thực tế của những đổi thay này, em cảm thấy có vị gì đó đăng đắng từ cổ họng.
Nhớ lại, cách đây chưa lâu, em cũng có dịp về thăm quê. Quê mình năm ấy và những năm trước đó dễ thương lắm. Người người vui tươi. Nhà nhà đầm ấm. Mọi người sống với nhau, bên nhau thật an bình và vô tư. Em đã từng tận mắt chứng kiến những nụ cười thân thiện và dễ mến của những cụ già; những cử chỉ lễ phép, ngoan ngoãn của các em thiếu nhi; sự chất phác và trong sáng của những anh chị thanh niên thiếu nữ trong làng,... Nói chung, vào thời đó, mọi người sống đúng với ý nghĩa của một vùng thôn quê. Tuy nhiên, năm nay, khi em về lại với quê hương, em thấy các em thiếu nhi không được ngoan như trước. Các em đã biết phá phách, theo cách đua đòi với cái gọi là “thời đại”. Em không tin vào mắt mình khi nhìn thấy một nhóm thiếu nhi khoảng 11 – 12 tuổi, ngồi quây quần bên nhau trước cổng nhà thờ với mấy chai rượu và những lon bia. Các em chúc nhau, uống với nhau một cách rất “chuyên nghiệp” và có vẻ “người lớn”. Em cũng chẳng ngờ rằng trong làng ta lại nỗi lên những sòng bài “tự tạo”. Những sòng bài này là của những nam thanh nữ tú, những người mới lập gia đình, thậm chí còn là nơi vui chơi của những người ở lứa thất thập cổ lai hy. Và, điều đặc biệt, em chẳng bao giờ nghĩ rằng chị và một số chị em khác lại ngồi với nhau ở chợ làng, để bàn tán về chuyện “con” này ra khỏi nhà dòng, “thằng” kia xuất tu…
Chị kính mến của em,
Nhớ lại, khi mà trong giáo xứ có một vài thiếu nữ bước chân ra khỏi làng để xin vào nhà Dòng nào đó tìm hiểu ơn gọi, thì chị và mọi người mừng vui. Chị đã mừng vui tới mức, ra ngoài chợ, gặp bất cứ ai, chị cũng khoe : “Con bé con nhà bà A đã đi tu trong nhà Dòng rồi. Gia đình bà ấy có phúc thật. Ước chi con tui mau lớn để cho nó vào nhà Dòng. Phải vào đó mới có thể sướng được, chứ ở trần gian khổ lắm !”. Thú thật với chị, khi em thấy chị đi khoe với người này người kia về chuyện em này em nọ vào nhà Dòng, em cũng thấy vui và mừng : Vui vì ít nhất cảm nhận được niềm vui của chị khi trong giáo xứ có những tâm hồn dám ra đi để dâng mình cho Chúa; mừng vì qua cách hành động của chị, em nhận thấy nơi con người của chị có sự quảng đại. Sự quảng đại đó có vẻ như đang là nguồn động viên và khích lệ cho các em và cả gia đình các em sẵn sàn hy sinh những con người cho Chúa.
Thế nhưng, thưa chị của em,
Sự vui mừng đó của em chưa được bao lâu, thì giờ đây đã tan thành mây khói.
Số là sáng sớm hôm ấy, em thay mẹ đi chợ mua thức ăn. Nói là chợ nhưng thực ra đây chỉ là cái ngã ba đường - nơi người ta họp nhau lại để trao đổi những món hàng nho nhỏ như những con gà, con vịt và mấy nắm rau nho nhỏ. Trong khi đang mua hàng, vô tình, em nghe chị nói với hai chị bạn : “Con M con ông B ra khỏi nhà Dòng rồi. Mà nó ra khỏi nhà Dòng cũng đúng thôi. Trước đây ông bà nội của nó sống không ra chi. Đến đời cha mẹ nó sống cũng chẳng ra gì với làng xóm. Và cả nó nữa, chắc là vào trong nhà Dòng lại cái tật ăn trộm ăn cắp nên người ta mới đuổi về…”
Chị,
Nghe chị đánh giá về chị M mà lòng em nhói đau : Nhói đau vì chị đã hiểu sai vấn đề; nhói đau vì vô tình chị đã làm ảnh hưởng đến thanh danh của chị M cũng như những người thân (kể cả những người đã khuất) của chị ấy. Em tin rằng việc chị M hay anh L ra khỏi nhà Dòng không phải vì lý do đơn thuần như chị đã đưa ra là do ông bà nội, cha mẹ hay chính bản thân chị ấy vào trong nhà Dòng ăn trộm ăn cắp, nhưng là do một lý do vượt trên những lý do đó, đó là huyền nhiệm ơn gọi.
Sống trên cõi đời này, mỗi người được Thiên Chúa đặt để trong mình một ơn gọi riêng. Đối với chị, ngay từ ban đầu, Thiên Chúa muốn chị sống ở giữa trần gian bằng việc lấy chồng, sinh con và nuôi dạy con cái. Đối với cha xứ thì ngài được Thiên Chúa mời gọi sống đời tận hiến cho Chúa qua đời sống linh mục. Để qua đời sống này, ngài phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, trong đó có chị và có em. Còn đối với chị M, Anh L hay thầy D thì Thiên Chúa lại đặt để nơi họ một ơn gọi khác. Tuy nhiên, khác với chị, khác với cha xứ, họ chưa phân định rõ ơn gọi của họ. Chính vì thế, họ cần có thời gian để phân định. Trong thời gian qua, họ sống trong cộng đoàn này, dòng tu kia cốt là để làm việc đó. Họ cần tìm cho mình một hướng đi cụ thể, hợp với ý Chúa muốn nơi họ. Ở trong nhà Dòng, nhưng đến một lúc nào đó, họ nhận ra rằng ơn gọi tu trì không phải là ơn gọi mà Thiên Chúa muốn họ sống, thì họ có quyền lấy cho mình một chọn lựa khác. Vì họ được Thiên Chúa mặc khải để sống một ơn gọi khác. Cho nên, em nghĩ, chúng ta đừng nên vội lên án họ. Việc họ nhận ra được thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của họ, đó là một niềm vui, thậm chí là cả một ân sủng. Thay vì lên án, khích bác, chúng ta cần chúc mừng họ.
Chị kính mến,
Nói với chị điều này, em nhớ tới cha Michel Rondet, S.J. Ngài là một con người rất nổi tiếng trong việc đồng hành thiêng liêng và giúp phân định ơn gọi. Trong cuốn Lời thì thầm của Chúa hay những nẻo đường khác nhau trong hành trình tâm linh[1], ngài đã nói : “Vấn đề phân định các ơn gọi đặt chúng ta đứng trước một vấn đề còn rộng lớn hơn, đó là ý muốn của Thiên Chúa…” (tr. 132) Đọc những lời quả quyết này của cha Rondet, chị và em phần nào đã thấy rõ vai trò của Thiên Chúa trong việc chọn lựa và bước theo ơn gọi. Con người cần để cho Thiên Chúa hành động trên cuộc đời của mình. Đặc biệt, con người cần để cho thánh ý của Ngài vựợt trên những ước muốn của chúng ta. Có lẽ, nhiều lúc chị M, anh L, thầy D đã muốn gạt bỏ ý Thiên Chúa sang một bên. Bởi vì, đôi khi, họ nhận ra rằng họ không có ơn gọi tu trì, nhưng muốn ở lại trong nhà Dòng, vì biết rằng sau mấy năm ở trong nhà Dòng, giờ ra ngoài, nhiều người sẽ nói họ là “đồ tu xuất”. Từ “tu xuất” sẽ ám ảnh họ và làm rào cản để họ thi hành thánh ý của Thiên Chúa… Nhưng không, họ đã vượt qua được rào cản ấy. Họ chấp nhận bị coi là “tu xuất” còn hơn là sống một cuộc sống không có tự do. Thực hiện việc làm này, họ ý thức được rằng họ sẽ thất bại và mất tất cả nếu như họ sống trong sự ép buộc… Vậy thì có lý do gì ngăn cản chúng ta chúc mừng họ ?! Chúc mừng họ rồi, nhưng có một điều mà có lẽ hơn ai hết, chị và em cùng nhau nhìn vào một thực tế của cuộc sống. Đôi khi, trong cuộc sống, chị, em và nhiều người khác bị luẩn quẩn trong vòng xoáy của việc nhận ra thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của mình. Vì đường lối của Thiên Chúa khác xa đường lối của chúng ta, nên lắm lúc chúng ta cảm thấy rất khó khăn trong việc ra ra thánh ý của Ngài. Hiện diện và sống trong cuộc đời này, có những lần chúng ta bị Thiên Chúa đặt ở ngã ba đường. Ngài bắt chúng ta phải chọn cho mình một con đường, đường đó phải tốt, nhưng khổ nỗi, Ngài chẳng chỉ cho chúng ta biết đâu là con đường tốt để chúng ta đi… Đây quả là một điều khó khăn cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có quyền tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta, và Ngài gọi chúng ta đến với Ngài bằng cái tên thật của mỗi người; Ngài đến gặp gỡ chúng ta bằng một lối đi rất riêng cho từng người, không ai giống ai…
Chị kính mến của em,
Chia sẻ với chị những điều này, mục đích của em không phải là để lên án chị, nhưng là để cảm thông với chị. Em cảm thông vì em biết rằng dù ít dù nhiều con tim của chị vẫn hướng về những người đã, đang và sẽ sống cuộc sống dâng hiến cho Chúa. Đây là điều tốt đẹp mà không ai khác, chính Giáo Hội là Mẹ của chúng ta luôn kêu mời (…)[2]. Tuy vậy, một điều mà em vẫn hằng mong ước là mỗi khi có ai đó thay đổi chọn lựa của mình để sống một cuộc sống khác, thì xin chị nhớ cho rằng, điều quan trọng mà Thiên Chúa đã thực hiện khi tạo dựng con người là để cho con người tự do... Nơi cuộc sống của mỗi người, ngay từ ban đầu, Ngài để cho con người tự do tìm kiếm, chọn lựa, thì khi mặc khải cho con người biết hướng đi mới, Ngài cũng để cho con người được tiếp tục tự do kiếm tìm và lựa chọn, miễn sao con người được hạnh phúc.
Chị,
Cũng giống như Ab-ra-ham, Mô-sê, Giê-rê-mi-a, Phê-rô, Phao-lô hay các ngôn sứ và môn đệ khác, Thiên Chúa vẫn đang gọi tên chúng ta. Ngài gọi từng người, từng người một. Ngài gọi chúng ta, mỗi người một cách, một phương thế khác nhau, để xây dựng thế giới này. Vậy thì, bằng những công việc rất nhỏ hằng ngày, chị và em cùng nhau thắp lên một ngọn nến, để làm cho thế giới được bừng sáng hơn, ngỏ hầu tình thương của Thiên Chúa luôn được chị, em và tất cả mọi người đón nhận, chúc tụng và ca khen, chị nhé !
Fx. Phan Dương, a.a.
[1] Sách đã được Lm Đặng Xuân Thành dịch ra Tiếng Việt. Bản Tiếng Việt do NXB Tôn Giáo xuất bản năm 2009.
[2] Công đồng Vatican II nói rằng “Các linh mục và các nhà giáo dục Kitô giáo phải hết sức cố gắng để cổ động cho ơn gọi tu dòng được thêm đông, được chọn lựa thận trọng và thích đáng hầu đáp ứng đầy đủ với nhu cầu của Giáo Hội. Ngay khi giảng dạy thường ngày, cũng hãy năng đề cập đến các lời khuyên Phúc Âm và việc chọn lựa bậc sống tu dòng. Trong khi giáo dục con cái theo luân lý Kitô giáo, cha mẹ phải vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi tu trì trong tâm hồn chúng…” (CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh Canh Tân Dòng Tu, số 24, tr. 391).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét