Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Chút Tình Cho Em

Em,
Chiều hôm nay, sau khi tan ca ở công ty, tôi trở về cộng đoàn. Đang khi dắt xe ra khỏi cổng, tôi nghe tiếng em gọi. Dừng xe lại, chưa kịp hỏi, em đã nói ngay : “Anh ơi, em xin lỗi, nếu anh có tiền, cho em mượn tạm 20.000. Em đói lắm anh ạ !”. Tôi đang ấp úng và miên man suy nghĩ, vì không biết mình nghe có nhầm không, thì em nói tiếp : “Mấy ngày này em không có tiền mua cơm, phải ra quán cháo ở đầu hẻm ăn thiếu. Những lần trước, bà chủ quán còn vui vẻ cho em ăn thiếu, nhưng hai hôm nay bà không cho em ăn thiếu nữa…”. Nghe tới đây, tôi không muốn cho em nói gì thêm, chi biết rằng, tôi và em sẽ bắt đầu sẻ chia với nhau, trước là vào lúc này.
Em thân mến,
Sẻ chia cho em một chút cháo để lót dạ vào tối nay, tôi tạm biệt em ra về. Ngồi trên xe, dưới khí trí trời se lạnh của mùa mưa Sài Gòn, lác đác có những hạt mưa bay rơi rớt trên mi mắt, tôi nhớ về em và nhớ về những sẻ chia của em.
Em rất thân mến,
Tôi gặp em cách đây chưa lâu. Cuộc gặp gỡ giữa em và tôi không có gì đặc biệt, ngoài sự tình cờ trong công việc. Nhớ lại, ngày đầu tiên bước vào công ty để làm việc, tôi đã thấy em ở đó. Em – một chú bé nhỏ con, da trắng, thân hình gầy còm... Em có đôi mắt sáng, và miệng em luôn tươi cười. Em làm phụ kho ; và tôi, tôi cũng làm việc trong kho cùng với em. Vì làm gần nhau nên em và tôi có dịp chia sẻ với nhau. Sau khi nghe em chia sẻ, tôi biết được gia cảnh của em :
Em sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Tây (bây giở thuộc Hà Nội). Mẹ em qua đời khi em chưa tròn năm tuổi… Mất vợ khi đang còn trẻ, cha em đã đi bước nữa. Cha em lấy một người phụ nữ ở làng khác. Em đã có dì. Cứ tưởng dì sẽ thay mẹ giúp em, bù đắp cho sự mất mát của em, nuôi dạy em khôn lớn, nhưng không, dì đã không những không thương em mà còn đối xử cách tàn nhẫn với em. Dì không cho em ăn, bắt em ngủ ở giữa sàn nhà. Còn bố em, khi mới lấy dì về, bố vẫn thương em và người anh trai của em ; nhưng càng về sau bố càng ghét em : “ghét cay ghét đắng”. Bố luôn nghe lời xúi dục của dì và đuổi em ra khỏi nhà… Khi đang còn mẹ, bố là người siêng năng làm việc. Hằng ngày, bố vác cuốc ra đồng. Nhưng, từ khi lấy dì về, bố không làm việc ngoài đồng nữa, thay vào đó, bố ngồi ghi đề, tổ chức cho người ta đánh bạc trong nhà. Mỗi khi có người đến đánh bạc, bố và dì bắt em và anh trai của em phải ngồi canh công an ở ngoài cổng; thỉnh thoảng nghe bố gọi thì em đi pha mì tôm hoặc ra chợ mua thức ăn cho những người đang đánh bạc trong nhà em…
Em,
Công việc mệt nhọc, nghuy hiểm, cộng với những sự hành hạ và đối xử tàn nhẫn của bố và dì, em không thể sống nỗi trong gia đình. Để tự giải thoát mình khỏi cuộc sống ảm đạm đó, em và anh trai của em đã thực hiện cuộc “Nam tiến”. Sau những ngày lặn lội vời những đồng bạc ít ỏi trên tay, cuối cùng, em cũng đã tới Sài Gòn. Tới được vùng đất mà người ta vẫn thường nói với nhau là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nhưng em không có chỗ nào để nương thân, ngoài những trạm xe buýt và những chiếc ghế chờ ở bến xe. Cứ tháng này qua năm nọ, em đã phải sống trong cảnh như vậy. Cho đến tháng Tư năm nay, em mới tìm cho mình một công việc : phụ kho.
Tuy nhiên, dù đi làm quần quật ngày này đến ngày khác, mỗi khi công ty có tăng ca là em xung phong tăng ca, nhưng  đời sống của em vẫn chật vật và thiếu thốn. Lương cơ bản của em mỗi tháng chỉ được 2.300.000 đồng. Trong khi đó, em phải chi trả bao nhiêu thứ : phòng trọ, tiền điện, tiền nước, tiền sửa xe đạp, và đôi khi em còn bị bệnh, phải mua thuốc… Với đồng lương em nhận được, em không thể nào chi trả đủ, nên đôi khi em phải nhịn ăn.
Em,
Tôi không lạ lẫm gì với cảnh thiếu thốn và chật vật của những người công nhân, nhất là những người lao động nghèo. Tuy nhiên, tôi thấy bất ngờ khi em chia sẻ về thực trạng của em : Đói. Sự bất ngờ đó làm cho trái tim tôi nhói đau : nhói đau cho những phận người và nhói đau cho đời sống thực tại.
Những phận người.
Em,
Được lắng nghe em chia sẻ, tôi biết em không được đến trường. Em đã bị thiệt thòi: thiệt thòi trong suốt thời gian của quá khứ, của hiện tại, và không biết tương lai mù mị nơi nao. Không được đến trường, chẳng có bằng cấp, em đành phải chấp nhận làm phụ kho – một công việc phải đổ ra nhiều sức lực. Tuy nhiên, anh thấy vui, vì em biết chấp nhận số phận. Trong công việc và đời sống, em đã rất nỗ lực và siêng năng … Nhận thấy những nỗ lực và sự siêng năng của em, cộng với những lời chia sẻ rất trưởng thành và có chí hướng vươn lên nơi em, tôi thấy an tâm phần nào. Tuy vậy, khi an tâm về em, tôi lại nghĩ về những em nhỏ mà tôi đã có dịp gặp ở một số nơi.
Em,
Trong những ngày làm việc ở công ty, tôi có dịp gặp gỡ nhiều người. Họ là những người cùng trang lứa với em. Khi được nghe họ chia sẻ, tôi biết được họ cũng chẳng khác gì em. Có những bạn không còn cha mẹ ; có những bạn cha mẹ chia tay nhau để con cái sống vất vưởng; thậm chí như M – một cô gái đã 16 tuổi, nhưng không biết cha mình là ai, vì như bạn đó chia sẻ : “Tại vì mẹ có năm người chồng, mà không đám cưới với ông chồng nào cả, nên em chẳng biết ai là bố”;… . Sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh như thế, các bạn của em cũng đâu được đi học; hoặc nếu có đi học thì cũng chỉ đi cho có lớp, rồi đến một lúc nào đó thì nghỉ học vì nhiều lý do, và cuối cùng phải ra giữa đời kiếm sống.  Sự thiệt thòi này diễn ra trong tuổi thơ, đã làm cho các bạn ngày hôm nay phải vất vưởng giữa dòng đời. Thương thay cho những phận người. Những phận người mà như tác giả Jean Vanier đã nói trong cuồn Tấm thân bị nghiền nát quay về với hiệp thông: “Đứa trẻ đau khổ và thiệt thòi biết bao… và ngày nay, nhiều người là hoa trái của tấm thân tan nát là gia đình họ : những đứa trẻ bị bầm dập, bị bất ổn, chúng không có gốc rể ; chúng không thể lớn lên cách yên ổn ; chúng không biết mình là ai và mình muốn gì…” Và cuối cùng, tương lai của họ cũng mịt mờ nơi nao…
Trong đời sống thực tại.
Em thân mến,
Trong khi đang viết cho em những tâm tình này, thì đồng thời, tôi có nhận được một tin tức tử một người bạn nói về sự việc xãy ra ở giáo xứ Cầu Rầm, giáo Phận Vinh – Nghệ An : công an và chính quyền ngăn chặn việc học tiếng anh của hơn 1000 em học sinh.
Em,
Qua người bạn, tôi biết được việc bổ túc văn hóa và bồi dưỡng thêm môn tiếng Anh là việc làm thường kỳ của cha xứ và hội đồng mục vụ giáo xứ này. Mỗi năm, khi mùa hè đến, để giúp các em học sinh và sinh viên có cơ hội học thêm những kiến thức cần thiết, họ đã tổ chức dạy học miễn phí. Năm nay, việc tổ chức dạy học nơi đây được thực hiện cách chu đáo: có hệ thống máy tính, có những tình nguyện viên từ nước Mỹ tới giúp các em học sinh. Đây là việc làm tốt đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Tưởng rằng, công việc tốt lành đó sẽ diễn ra trong sự yên ổn và được chính quyền ủng hộ. Tuy nhiên, vào những ngày đầu tháng 7, sau khi khóa học được bắt đầu, thì công an và chính quyền đã tìm đủ mọi cách, viện đủ lý do để ngăn chặn việc học của các em. Với những lý do phi nhân, vô pháp luật, công an và chính quyền nơi đây đã ngăn cấm những tình nguyện viên, không cho họ dạy học… Những sự việc ấy xãy ra đã làm cho hơn 1000 em học sinh và sinh viên thất vọng và đau lòng…
Kèm theo những tin tức, người bạn của tôi đã không quên gửi cho tôi một số hình ảnh, trong đó, có những tấm hình của những em học sinh cầm trên tay tờ giấy có ghi “bác Hồ ơi, các chú công an không cho chau học tiếng Anh” hay “xin các chú công an cho cháu học tiếng Anh”… Gọi bác Hồ, bác không nghe, xin công an, công an thinh lặng, các em “mách” với mẹ : “mẹ ơi, các chú công an không cho con học tiếng Anh”…
Em thân mến của tôi,
Nỗi khổ của con em chúng ta ngày hôm nay là như vậy ; sự thiệt thòi và mất mát của các em nhỏ ngày hôm nay là thế. Thử hỏi, không được đến trường, bị ngăn cấm giáo dục…, rồi đây, tương lai của một thế hệ trẻ sẽ về đâu ?
Tôi còn nhớ, vào mùa hè năm ngoái, tôi có dịp thực tập tông đồ ở miền Tây. Khi được sống ở đây, tôi nhìn thấy những nỗi thống khổ của những em thiếu nhi. Các em đang rất nhỏ, nhưng phải bỏ học để đi theo bố mẹ ra đồng làm việc. Tôi không sao quên được hình anh của em Trinh, 12 tuổi. Đang học lớp 5 nhưng Trinh phải bỏ học để theo mẹ đi làm mướn. Công việc mà Trinh và mẹ của em làm là cắt lá dừa để đan nón lá. Mỗi ngày người ta trả cho em 25.000 tiền công. Ngoài Trinh ra, ở nơi đây, còn có nhiều em bé khác nữa không có cơ hội đến trường… Nhìn vào thực tại của các em, tôi thấy thương cho tương lai của các em. Rồi đây, nếu các em không được đi học, thì nghiệp làm thuê làm mướn sẽ theo đuổi em suốt đời.
Em thân mến,
Kể cho em những câu chuyện đó, tôi muốn nói rằng sự đói khát của em hôm nay có thể xoa dịu được, nhưng cơn đói kiến thức, đói sự giáo dục của các em nhỏ mới là một thực trạng đáng phải lo lắng và để tâm.
Em,
Chia sẻ với em những điều trên, không gì khác hơn, tôi thiết tha mong em hãy tiếp tục với những gì em đang sống ; đừng nãn chí với những gì em đang cố gắng, những hãy bắt đầu với nó mà vươn lên. Em đang có một công việc ; em cũng có những đồng tiền lương; và hơn bất cứ điều gì khác, em đang có nghị lực để vươn lên… Vậy thì, hãy cố gắng lên em nhé !
Cuối cùng, tôi xin mượn tâm tình của Cha Giám Đốc Học viện Phanxicô, trong lời giới thiệu của tập nội san Bình An và Thiện Hảo, số 15, để gửi tới em một lời nhắn nhủ : Trong cuộc đời, sẽ có sự xuất hiện của những “tâm hồn nhỏ”. Những tâm hồn này xuất hiện nơi đây như những người bạn tình cờ… Ở đó, một câu nói, một tâm tình, thậm chí những dấu chấm câu bất động… đều có thể là tia lửa nhen lên trong bạn một ý tưởng, để giúp bạn thêm vững tin, thêm nghị lực, thêm đam mê để đi đến tận cùng con đường mà bạn đang đeo đuổi hay biết chọn lựa giữa muôn vàn chọn lựa đang mọc lên khắp nẻo đường của cuộc đời… Vậy thì dù bạn đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn hãy nuôi một khát vọng lớn, một niềm tin lớn và vạch ra một dự phóng cho cuộc đời… Và nều có trở ngại, bạn thân mến, bạn hãy trỗi dậy và bước  đi, bước đi trong trong một tinh thần bình an và thiện chí. Để hy vọng, một ngày không xa, tôi và mọi người muốn nghe câu chuyện “tâm hồn nhỏ” từ phía bạn của ngày hôm nay”.
Cố gắng lên nghe em. Dù biết rằng tình đời lắm lúc chua cay, nhưng chúng ta phải sống, phải vươn lên để những chua cay của tình đời sẽ được thay bằng sự dịu ngọt của hạnh phúc…
Fx. Phan Dương, aa.
fxduongaa@ymail.com