thulambao.net
"Toàn thể Giáo Hội hãy can đảm bước vào internet, để ra khơi thả lưới, sao cho hôm nay đây phối hợp được Tin Mừng với văn hóa hầu chứng tỏ cho thế giới thấy "Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Kitô" (ĐGH. Gioan Phaolo II)
Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015
Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015
Chiếc Áo Mới Trong Những Ngày Giáp Tết
Bà kính mến,
Sáng ngày 29 tết, con đã đến thăm bà.
Đập vào mắt con là hình ảnh một người già yếu, với gương mặt
khắc khổ. Bà nhìn con với ánh mắt ngơ ngác. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là lần
đầu tiên con đến thăm bà.
Sau một vài lời chào hỏi xã giao, bà khoe với con chiếc áo mới
bà đang mặc. Bà nói : “Tui đang tính mặc chiếc áo mới vào để sang nhà máy chè
xin mấy ký gạo về ăn tết. Trong nhà chẳng còn gì…!” Nghe đến đây, con như không
tin vào tai mình. Con xác minh lại điều bà vừa nói, và quả đúng như thế : bà
không còn gì để dùng trong dịp tết, cụ thể hơn là trưa nay, - trưa 29 tết.
Bà đáng kính,
Thế kỷ mà bà và con đang sống là thế kỷ XXI. Đây là thời mà
người ta vẫn nói với nhau về khoa học, công nghệ. Hầu như ít ai nói về cái đói,
cái rét… nơi con người. Bởi nếu như cách đây chỉ một thời gian ngắn thôi, người
ta vẫn còn ước mơ cho cho nhau là “ăn no mặc ấm”, thì nay người ta chỉ có thể
nói với nhau “ăn ngon mặc đẹp”. Điều này cho thấy đời sống của con người xem ra
được cải thiện, mức sống của con người đã được nâng cao. Sự cải thiện và nâng
cao cuộc sống của con người là điều chính đáng. Thế nhưng, trong thực tế, nếu
như ngoài kia, nơi con đường lớn trước cửa nhà bà, có nhiều người, nhiều gia
đình đang đua nhau mua sắm tết ; họ mua sắm đủ thứ ; mua cho mình, rồi mùa để tặng
người khác…, thì trong ngôi nhà bé nhỏ được che bằng những tấm ván, tấm bạt cũ
kỹ của bà lại lộ rõ sự quạnh hiu và buồn bã. Điều đáng nói, căn nhà của bà trở
nên hiu quạnh không chỉ vì bà không còn gạo, không còn thức ăn… nhưng là sự cô
đơn đến mức tột cùng.
Bà cho con biết là bà có ba người con trai. Cả ba đều lấy vợ
và có con cái. Hai người con đầu đi lập nghiệp ở phương xa mà lâu nay bà không
được tin tức gì ; người con út lấy vợ, nhưng vợ chồng không sống được cùng nhau
nên đã ly dị. Sau khi ly dị, anh chán nãn, và đã có những việc làm phạm pháp.
Người ta bắt anh và giam anh trong tù. Đã ba năm nay bà không được ăn tết cùng
anh và cũng chẳng thấy mặt anh.
Không người chăm sóc, sống cô quạnh trong một căn nhà xiu vẹo,
bà cảm thấy cô đơn đến mức tột cùng. Chưa hết, đằng sau sự cô đơn đó là sự túng
thiếu và buồn tủi. Bà buồn cho một cuộc đời có con cháu mà như không, buồn cho
thân phận sau bao nhiêu năm vất vả của một phận người, nay không còn lấy đủ một
bát cơm để ăn trong ngày tết.
Sáng hôm nay, bà lấy chiếc áo mới ra mặc, nhưng không phải mặc
để chờ con cháu về thăm hay để “chưng diện” trong những ngày giáp tết, mà là đi
xin chút gạo để ăn tết. Bà đã không ngần ngại nói với con : “biết là đi xin
cũng nhục lắm, cũng sợ phiền hà lắm, vì ngày hết tết đến rồi, ai ai cũng bận rộn,
nhưng ngồi mãi ở đây cũng không được cậu ạ. Mặc chiếc áo mới vào, để khi đến nhà
người ta, dù người ta có cho hay không thì cũng không làm cho người ta bị mang
tiếng là có người khốn cùng, rách rưới vào nhà. Làm như vậy mình không bị áy
này vì làm cho người khác khó xử…”
Thưa bà, con cám ơn bà vì sự tế nhị. Bà vẫn mang trong mình
tâm tình sống cho người khác. Bà sợ người khác lo, mang tiếng… Con cám ơn bà vì
bà vẫn là mẫu gương cho một thực tại của con người hôm nay : sống chỉ biết lo
cho mình.
Được bà chia sẻ và chia sẻ cùng bà hôm nay, lòng con thêm phấn
khởi vì được cùng bà sống những cảm nghiệm rất thật của cuộc đời. Những chia sẻ
trong nước mắt của bà một phần giúp con ý thức về sứ mạng của mình, phần khác
cho con thấu hiểu được sự khốn cùng của phận người. Hơn nữa, trong câu chuyện của
bà, con nhận thấy bà luôn ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa và phó dâng cuộc
đời cho Người. Bà đã nhắc con rằng “Chúa yêu thương những người nghèo khổ, và lắng
nghe tiếng họ kêu xin”. Con tin Chúa không bỏ rơi bà, vì Ngài quan phòng và yêu
thương.
Tạm biệt bà, con nhớ những tâm tình của sách Huấn Ca : “Đừng
bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên
mình. Nhờ lắng nghe các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết
đưa ra câu trả lời thích hợp” (Hc 8, 9).
Bên cạnh đó, con nhớ về lời của đức nguyên giáo hoàng Biển Đức
XVI : “Chất lượng của một xã hội, tôi có ý nói đến sự văn minh, sẽ được đánh
giá qua việc người già được đối xử như thế nào và vị trí nào người ta dành cho
họ trong đời sống cộng đồng”.
Và cuối cùng, con nhận ra giá trị nơi tâm tình của đức giáo
hoàng Phanxicô : “Người già là những người đi trước chúng ta trên cùng một con
đường. Ta đã nhận lãnh từ họ rất nhiều. Họ không phải là những người xa lạ. Rồi
mai đây hết thảy chúng ta cũng sẽ trở thành những người già cho dù ta có thể
không muốn nghĩ đến. Nếu chúng ta không đối xử tốt với những người già, các thế
hệ sau cũng sẽ không đối xử tốt với chúng ta”.
Bà kính mến,
Chiếc áo mới bà đã mặc, nhưng hôm nay bà không phải đi sang
nhà máy chè để xin gạo. Thay vào đó, bà sẽ đến đài Đức Mẹ ở bên cạnh nhà thờ để
dâng lời tạ ơn như bà đã nói. Con sẽ hiệp ý cùng bà để tạ ơn Thiên Chúa qua lời
chuyển cầu của Mẹ Maria.
Xin Chúa luôn ở với bà và lắng nghe tiếng bà kêu xin !
Fx. Phan Dương
Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)